Dù phải đối mặt với đợt bùng phát thứ tư của dịch Covid-19 có diễn biến hết sức phức tạp, nhưng các mặt công tác của Thanh tra Chính phủ đều chuyển biến rõ rệt, nhiều nội dung tồn đọng từ trước đã được giải quyết cơ bản, tạo nên bức tranh nổi bật, có gam màu tươi sáng, rực rỡ,  nhiều điểm nhấn. Báo Thanh tra giới thiệu cùng độc giả loạt bài viết về các điểm nổi bật này.

Giữa lúc Hà Nội và nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tôi tình cờ được chứng kiến Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Hữu Hòa liên tục gọi các cuộc điện thoại để thông báo, mời và điều động cán bộ tham gia công tác xây dựng thể chế.

Thông tin anh chuyển tải nhiều nhất là, quan điểm chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn giãn cách xã hội ở nhiều địa phương là cần kịp thời chuyển hướng công tác từ các đoàn thanh tra về tập trung vào mảng thể chế. Nhiều lãnh đạo trưởng, phó đoàn thanh tra đã được phân công là thành viên cốt cán của các tổ sửa đổi, xây dựng nghị định, thông tư. Đây là việc cần ưu tiên, cần gấp không thể trì hoãn bởi vì công việc cần những chuyên gia của lĩnh vực đó. Công việc không đợi hết giãn cách hay hết dịch.

Quả thực, với cách làm đổi mới và chuyển hướng kịp thời đó, công tác xây dựng thể chế đã có những chuyển biến quan trọng và trở thành 1 trong nhiều điểm nhấn trong công tác của Thanh tra Chính phủ dưới tác động sâu rộng của dịch bệnh Covid-19.

Đại diện Vụ Pháp chế cho biết, triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng thể chế năm 2021, Vụ tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ hoàn thành hồ sơ Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Trước ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh, việc cho ý kiến của các bộ, ngành bị ảnh hưởng khá nhiều, chậm về tiến độ. Tuy nhiên, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chỉ đạo ngoài chủ động hỏi văn bản góp ý còn kiên trì mời các chuyên gia của Bộ Tư pháp sang nghe dự thảo luật, tranh luận và phản biện trực tiếp trên quan điểm xây dựng. Kịp thời chuyển đổi cách làm dưới sự chỉ đạo của Tổng Thanh tra, hiện nay, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Chỉ đạo chuyển hướng trọng tâm công tác nói trên của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, chính là sự thích ứng đặc biệt của Thanh tra Chính phủ nói riêng, ngành Thanh tra nói chung trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Bởi lẽ, không có chuyện cán bộ thanh tra “tê liệt” vì dịch hay lấy cớ giãn cách để “tránh việc”. Cả bộ máy tổ chức vẫn vận hành trôi chảy dù thực hiện nghiêm túc các văn bản về giãn cách xã hội. Trong giai đoạn giãn cách, chỉ đạo tập trung ưu tiên cho xây dựng thể chế chính là lựa chọn khoa học và hiệu quả, vị đại diện Vụ Pháp chế cho biết.

Một thanh tra viên của Vụ Pháp chế cũng cho biết, từng cán bộ, chuyên viên trong đơn vị không có khái niệm ngắt quãng, chậm việc vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngay trong những đợt giãn cách của Hà Nội trong tháng 8, 9 thì các thành viên của các tổ xây dựng dự thảo luật, nghị định, thông tư cũng phải “chạy nước rút” để đảm bảo tiến độ và đòi hỏi của công việc. Thậm chí cường độ làm việc còn cao hơn, không có ngày nghỉ, không có thứ bảy, hay chủ nhật.

leftcenterrightdel
Website của Thanh tra Chính phủ liên tục cập nhật các bản dự thảo để xin ý kiến góp ý trước khi ban hành. Ảnh: PV 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2021, Thanh tra Chính phủ tiến hành xây dựng dự thảo 3 nghị định: Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Nghị định thay thế Nghị định số 50/2018/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ và Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đây là những nghị định xương sống của cơ quan Thanh tra Chính phủ nói riêng và hoạt động của ngành Thanh tra nói riêng. Bởi vậy, cần thực hiện tập trung, trọng điểm, thu hút nhân lực và cả mời các chuyên gia từ các bộ, ngành khác. Đơn cử, Ban Soạn thảo xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 50/2018/NĐ - CP ngày 9/4/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ gồm 23 thành viên, do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm làm Trưởng ban. Cùng tham gia Ban Soạn thảo còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp.

Cũng trong năm 2021, Thanh tra Chính phủ còn chủ trì xây dựng các thông tư: Thông tư về quy trình nghiệp vụ thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; Thông tư quy định việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo; Thông tư hướng dẫn danh mục và thời hạn chuyển đổi vị trí công tác.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; Quy chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Quy chế phối hợp với Kiểm toán Nhà nước. Ban hành Quy chế phối hợp với Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).

Mới đây nhất, chiều 22/9, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã ký kết Quy chế phối hợp với Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Việc ký kết này nhằm phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán; việc cung cấp thông tin và cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm toán; việc sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán; phối hợp trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; phối hợp trong việc đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra, kiểm toán.

Quy chế nêu rõ, chậm nhất vào ngày 30/9 hằng năm, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ tổ chức cuộc họp trao đổi ý kiến về dự kiến kế hoạch thanh tra và kế hoạch kiểm toán năm để xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Thanh tra…

Chỉ đạo các đơn vị không được lơ là trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho người lao động, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng quán triệt các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021.

Tổng Thanh tra yêu cầu, trong tháng 10 tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình Hành động của Thanh tra Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tiếp tục hướng dẫn, thực hiện 02 Thông tư mới ban hành của Thanh tra Chính phủ: Thông tư số 01/2021/TT-TTCP về quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ công chức làm công tác tiếp công dân và Thông tư 02/2021/TT-TTCP về chế độ thông tin báo cáo của ngành Thanh tra.

Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch Xây dựng thể chế năm 2021 của Thanh tra Chính phủ, tập trung cao nhất cho việc hoàn thiện Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các nghị định của Chính phủ và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập…

Mới đây nhất, chùm 4 thông tư đã được trình để Tổng Thanh tra ký ban hành, còn Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cũng đã được trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến, trình Bộ Chính trị. Như vậy, toàn bộ công việc tồn đọng trong công tác thể chế, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Thanh tra Chính phủ cùng Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cơ bản đã được giải quyết, vượt tiến độ về thời gian, với chất lượng, hiệu quả rất cao.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đan Quế