Tại hội thảo, các đại biểu tập trung vào thảo luận những vấn đề liên quan đến nhận diện đối tượng bồi thường và vấn đề bồi thường trong phạm vi ngành Thanh tra.

Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, từ trước đến nay, vấn đề bồi thường hầu như chưa được đặt ra trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, mặc dù điều đó không có nghĩa là các hoạt động này chưa gây thiệt hại cho cá nhân và tổ chức, nhất là đối tượng thanh tra, người khiếu nại, người tố cáo.

Trên thực tế, hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng là những lĩnh vực nhạy cảm, đụng chạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Chính vì vậy, nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường Nhà nước là khá hiện hữu.

“Mặc dù hiện nay pháp luật chưa quy định đầy đủ các hoạt động thanh tra có thể gây thiệt hại và trách nhiệm bồi thường nhưng người làm công tác thanh tra cũng cần có nhận thức đúng đắn về vấn đề này để nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như trách nhiệm trong việc thực hiện quyền hạn thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng”, Ban Chủ nhiệm đề tài cho biết.

Các đại biểu đều khẳng định, bồi thường Nhà nước mới chỉ được thực hiện trong thời gian chưa lâu và chủ yếu là trong lĩnh vực tư pháp, liên quan đến các vụ án oan sai với những căn cứ khá cụ thể có thể tính toán.

Bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực quản lý trên thực tế xảy ra rất nhiều nhưng việc thực hiện trách nhiệm bồi thường đang còn hết sức khó khăn, do tính đa dạng của quản lý về cả lĩnh vực và địa bàn, cả hình thức và phương thức hoạt động quản lý nên luật pháp khó có thể định liệu và đưa ra các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường. 

Cần phải thấy rằng, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền và xã hội dân chủ thì người dân ngày càng ý thức và nhận thức đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, trong đó có quyền được bồi thường khi bị thiệt hại do hoạt động của bộ máy Nhà nước gây ra. Sự giám sát hoạt động công quyền sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, trách nhiệm nói chung và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sẽ ngày càng được đề cao và phải được bảo đảm thực hiện.

Các đại biểu băn khoăn, trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo có thể đặt vấn đề bồi thường được không? Đối tượng bồi thường như thế nào? Loại thiệt hại nào chúng ta thực hiện bồi thường?

Thực tế cho thấy, khiếu nại hành chính không phải là con đường duy nhất để bảo vệ quyền lợi của mình, bởi vì nếu khiếu nại không được, người khiếu nại có thể gửi đơn ra tòa trong vòng 10 ngày. Còn không, khi lựa chọn con đường này thì tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, toàn bộ liên quan đến khiếu nại hành chính thì không phải có trách nhiệm bồi thường.

Đối với tố cáo, các đại biểu cũng cho rằng, tố cáo cũng là nghĩa vụ của mọi người, nên khi phát hiện thì phải báo với cơ quan Nhà nước nên cũng sẽ không nằm trong đối tượng được Nhà nước bồi thường.

Mặt khác, cần phải xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo gây ra. Nghĩa vụ và những đặc thù trong thực hiện nghĩa vụ hoàn trả của người có trách nhiệm trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho ngân sách Nhà nước.

Thái Hải