Thời chiến hào hùng

Giọng nói trầm ấm, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình bồi hồi nhớ lại những ngày đầu đi theo các chú, các anh vào căn cứ kháng chiến tại địa bàn Tây Nam Bộ. Những năm 1966 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng là giai đoạn khó khăn, đặc biệt là sau năm 1969, nhưng cũng là thời điểm chàng trai này tham gia hoạt động cách mạng với niềm tin vào ngày chiến thắng.

Truyền thống gia đình có cha mẹ là cán bộ cách mạng, quê Kiên Giang, trong đó cha ruột là liệt sỹ Nguyễn Hùng Hiệp, hy sinh năm 1968, là một trong số ít cán bộ lãnh đạo đã chủ trì thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang vào năm 1932 tại ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, nên người thanh niên Nguyễn Chiến Bình đã nỗ lực rèn luyện, học tập trong điều kiện chiến tranh để trở thành một chiến sỹ giải phóng quân, dù chỉ hơn chục tuổi đầu đã dũng cảm cầm khẩu súng còn cao hơn thân mình ngắm bắn máy bay giặc để trả thù cho đồng đội đã hy sinh. Sau khi học văn hóa tại Trường Lý Tự Trọng được tổ chức trong các khu rừng vùng kháng chiến, từ tháng 1/1969, người chiến sỹ Nguyễn Chiến Bình được phân công làm điện báo viên của Cụm đài Khu ủy (K24) thuộc Khu Tây Nam Bộ.

Những ngày tháng 4/1975, người chiến sỹ Nguyễn Chiến Bình đã cùng đồng đội trú đóng tại vùng ven Cần Thơ, sau đó tiếp quản dinh tướng Nguyễn Khoa Nam trong ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. 

Trong câu chuyện của nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình, thì hình bóng những người dân vùng kháng chiến, vùng giáp ranh giữa quân giải phóng miền Nam với ngụy quân, đều được nhắc đến rất đậm nét. Đó là bà mẹ vùng U Minh, khi phát hiện giặc truy đuổi chiến sỹ giải phóng, đã chạy theo nhận đó là con của mình dù không hề quen biết, là những gia đình đã dành căn hầm tốt nhất cho cán bộ giải phóng trong lúc bom đạn ngút trời. Niềm tin vào ngày chiến thắng, tình cảm quân dân là một trong nhiều kỷ niệm khó quên của thời chiến, là động lực quan trọng để quét sạch giặc thù, giải phóng quê hương.

Thời bình nỗ lực

Từ tháng 5/1975, về lại quê nhà, người chiến sỹ Nguyễn Chiến Bình được phân công là Chánh Văn phòng Thị ủy Rạch Giá, rồi tiếp tục được đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo tại các địa bàn khó khăn, phụ trách các lĩnh vực công tác khác nhau thời kỳ bao cấp.

Giai đoạn đổi mới, người cán bộ trẻ Nguyễn Chiến Bình lại tiếp tục phụ trách công tác kiểm tra của Tỉnh ủy Kiên Giang, sau đó làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận - một trong các huyện khó khăn nhất, và dưới sự lãnh đạo của người Bí thư trẻ, với tư duy đột phá nên chỉ sau vài năm, bộ mặt huyện Vĩnh Thuận đã thay đổi, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt vào giai đoạn 2000-2002.

Sự trưởng thành của người cán bộ trẻ đã được Trung ương ghi nhận. Trở về từ huyện Vĩnh Thuận, vừa giữ cương vị Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Kiên Giang chưa lâu, đã được Ban Tổ chức Trung ương điều về làm Phó Vụ trưởng Cơ quan tại phía Nam. Đến khi tỉnh Hậu Giang cần tăng cường cán bộ vì địa phương mới chia tách, thì người cán bộ Nguyễn Chiến Bình lại chấp hành nghiêm sự phân công về làm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang, sau đó là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang. Tiếp đó, ngày 8/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định điều động, bổ nhiệm làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Nhân dịp 70 năm thành lập ngành Thanh tra, đồng chí Nguyễn Chiến Bình đã vinh dự được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba

 

Trên cương vị mới, là Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, với phong cách làm việc sâu sát, có nghĩa có tình, đã tạo ra động lực mới đối với hoạt động thi đua yêu nước, công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, phòng, chống tham nhũng. Điều này cũng đã được nhiều đồng chí lãnh đạo Thanh tra Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao trong các văn bản đề xuất danh hiệu khen thưởng là “Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như sự nghiệp phát triển của ngành Thanh tra. Dù ở vị trí, cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Chiến Bình cũng luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liên tục, đồng chí Nguyễn Chiến Bình được tập thể ghi nhận, bình xét đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở, chiến sỹ thi đua ngành Thanh tra". Nhân dịp 70 năm thành lập ngành Thanh tra, đồng chí Nguyễn Chiến Bình đã vinh dự được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Riêng đối với địa bàn phía Nam, bước chân của người chiến sỹ giải phóng quân Nguyễn Chiến Bình thời chiến, sau này là người cán bộ đảm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác, trong đó có vai trò là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, đã được tiếp nối với hàng loạt chuyến đi về cơ sở, để gặp gỡ, động viên, đối thoại, tiếp công dân. Nhiều vụ việc phức tạp như vụ khiếu nại tại Khu công nghiệp Long Giang, tỉnh Tiền Giang, cùng hàng loạt điểm nóng tại An Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang… đã từng bước được hạ nhiệt sau khi Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình chủ trì tiếp xúc, đối thoại.

Ngay tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, nhiều công dân là gia đình chính sách vẫn nhắc nhớ đến sự quan tâm của  Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình, trong thời điểm năm 2013 đã chủ động đề nghị cơ chế mới để địa phương áp dụng hỗ trợ thêm tại các dự án chỉnh trang đô thị.

Sau 4 năm công tác tại Thanh tra Chính phủ, tháng 9/2015, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình về nghỉ chế độ, nhưng nhiều cán bộ, công chức, viên chức của ngành Thanh tra tìm đến, cùng uống một tách trà nóng với người thủ trưởng cũ, để cùng chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.

Nhiều cựu chiến binh là cán bộ hưu trí của các đơn vị của Thanh tra Chính phủ tại phía Nam, đã tin tưởng đề xuất nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình là Trưởng Ban Liên lạc Câu lạc bộ hưu trí phía Nam, nhằm tiếp tục sống đúng với niềm tin đã chọn là "tiến bước dưới cờ, vì nước, vì dân".

Theo chương trình hoạt động năm 2019, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình cùng các thành viên Ban Liên lạc Câu lạc bộ hưu trí phía Nam, sẽ tổ chức các chuyến đi về vùng căn cứ kháng chiến cũ, cùng ôn lại những ngày hào hùng của cuộc đời cách mạng, cũng như vận động các nguồn tài trợ để xây dựng nhà đồng đội, nhà tình nghĩa, bia tưởng niệm tại một số địa phương. Đây là sự tiếp nối mạch nguồn có ý nghĩa để giữ mãi niềm tin của những người chiến sỹ cách mạng đã trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng tháng 4/1975, về tương lai tươi sáng của quê hương.

Ngọc Giang