Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, mục tiêu của Đề án 861 tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính; xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về PCTN trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; góp phần tích cực cải thiện tình hình tham nhũng và công tác PCTN.

Đề án được triển khai ở tất cả các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và chính quyền, đoàn thể địa phương các cấp từ năm 2019 đến hết năm 2021 cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; học sinh, sinh viên và người dân trên các địa bàn dân cư. Trong đó, đối tượng tập trung ưu tiên gồm: Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; lãnh đạo các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp; người lao động và học sinh, sinh viên.

Trước đó, ngày 30/9, Thanh tra Chính phủ ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc Đề án. Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 19 thành viên do ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo; ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Đề án, điều phối các hoạt động phối hợp giữa các ngành, các lĩnh vực trong việc triển khai thực hiện Đề án trên phạm vi toàn quốc; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Đề án, đề xuất các biện pháp động viên, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân xuất sắc trong thực hiện Đề án; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ khi cần thiết.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN gồm những kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN; thực trạng, nguyên nhân, điều kiện tham nhũng và các giải pháp PCTN; ý nghĩa, tầm quan trọng của PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính; tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức liêm chính và PCTN; kinh nghiệm PCTN trong lịch sử Việt Nam; mô hình, kinh nghiệm, gương tiêu biểu về PCTN và đạo đức liêm chính…

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo; Bộ Tư pháp; Bộ Nội vụ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam… triển khai tích cực, thường xuyên, liên tục các nhiệm vụ của đơn vị theo nội dung trong Đề án từ nay tới năm 2021.

Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh đến nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, vì là đơn vị sẽ tổ chức và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại, nói chuyện chuyên đề có chủ đề về minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động xây dựng pháp luật; PCTN trong xây dựng chính sách, pháp luật.

Bên cạnh đó, tập huấn, bồi dưỡng cập nhật chính sách, pháp luật về PCTN cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật toàn quốc.

Để có hiệu ứng khởi động tốt nhất, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp đưa vào chương trình, kế hoạch triển khai, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN và nội dung của Đề án vào ngay trong sự kiện Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) tới đây.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức triển khai lồng ghép nội dung pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính vào các chương trình giáo dục tiểu học và trung học cơ sở trên phạm vi toàn quốc.

Thái Hải