Thiết lập một cơ chế cung cấp thông tin về bản kê khai TSTN 

Tại buổi tọa đàm, đại diện Đoàn Thanh niên Đoàn Khối các cơ quan T.Ư đã đưa ra một số ý kiến về quy định kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập (TSTN). 

Điều 37, dự thảo đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai TSTN là các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; cán bộ, công chức một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước hoặc chức danh quản lý trong các doanh nghiệp có vốn Nhà nước... Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng. 

Song, các đối tượng này chỉ phải kê khai bổ sung, giải trình nguồn gốc nếu có biến động về tài sản có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Việc làm này không chỉ đảm bảo cho việc hình thành cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho công tác quản lý cán bộ mà về lâu dài còn tạo ra nguồn thông tin giá trị phục vụ cho công tác điều tra hành vi tham nhũng, cũng như cung cấp các bằng chứng về những thu nhập không kê khai hay bất hợp pháp trong tố tụng trong trường hợp khó vạch trần những hành vi tham nhũng.

Về thẩm quyền kiểm soát TSTN, vị này đồng ý với phương án tại dự thảo là giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên ở tất cả các cơ quan đơn vị, tổ chức. Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, đơn vị T.Ư, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát TSTN đối với những người có phụ cấp chức vụ dưới 0,9. Vì phương án này có ưu điểm là đảm bảo việc quản lý tập trung bản kê khai; thực hiện chuyên nghiệp và khách quan hơn trong việc theo dõi biến động TSTN và thực hiện xác minh TSTN khi cần thiết. Tuy nhiên cần cân nhắc giao cho cơ quan thanh tra thẩm quyền kiểm soát TSTN có phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra hiện nay, có tính khả thi, nguồn lực thực hiện, không làm tăng đầu vào, đơn vị, biên chế? có ảnh hưởng đến hoạt động của cơ đó không?...

Về xử lý TSTN kê khai không trung thực, TSTN tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý. Vị này đồng ý với phương án 1 của dự thảo luật, đó là cơ quan, đơn vị kiểm soát TSTN yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân.

Đối với việc công khai bản kê khai TSTN, đại diện Đoàn Khối các cơ quan T.Ư cho rằng, việc công khai bản kê khai tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác là chưa thoả đáng để xử lý những bất cập hiện nay đối với việc công khai kê khai tài sản thu nhập, vì bản kê khai TSTN có tác dụng rất lớn trong việc giám sát của dân chúng với TSTN của cán bộ, công chức. Trong nhiều trường hợp, chính người dân và báo chí là những kênh phát hiện, thông tin đầy đủ đến TSTN ngoài TSTN đã kê khai. 

Tuy nhiên, công khai ở đâu, đến đâu, như thế nào là vấn đề cần lưu ý. Bởi, TSTN thuộc bí mật đời tư của mỗi cá nhân, việc công khai rộng rãi có thể xâm phạm đến bí mật đời tư, dẫn đến xâm phạm quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp quy định và bảo vệ...

Nên để đảm bảo an toàn tài sản, đảm bảo bí mật đời tư, Đoàn Khối các cơ quan T.Ư đưa ra giải pháp: Bản kê khai TSTN của người kê khai, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được công khai trên các phương tiện truyền thông tin đại chúng; niêm yết tại tru sở cơ quan; thông qua họp báo hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; mặt khác, cần thiết lập một cơ chế cung cấp thông tin về bản kê khai TSTN một cách có điều kiện và kiểm soát việc sử dụng thông tin đó để tránh bị lợi dụng, gây phương hại đến người kê khai...

Quy định chặt chẽ hơn về thời điểm kê khai TSTN

Đại diện của Đoàn Thanh niên Viện Khoa học Thanh tra đã đưa ra một số định hướng, giải pháp hoàn thiện cơ chế kê khai và kiểm soát TSTN như: Mở rộng diện kê khai TS tiệm cận đối với đối tượng là người có chức vụ, quyền hạn. Đồng thời, thiết lập các quy định chuyên biệt về kiểm soát TSTN cho từng nhóm đối tượng công chức và phân loại theo nhóm ngành, lĩnh vực; cần có quy định chặt chẽ hơn về thời điểm kê khai TSTN như: Trước khi tuyển dụng, đề bạt, bầu cử, bổ nhiệm...; sau khi tuyển dụng; kê khai định kỳ hàng năm, 5 năm, 10 năm... Các cơ quan thẩm quyền phải theo dõi, nắm bắt được sự biến động của mọi TSTN của cán bộ, công chức viên chức ở mọi thời điểm.

Mặt khác, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, hành chính, cán bộ, công chức và dân sự để đảm bảo xử lý được công chức, viên chức, cán bộ có hành vi kê khai gian dối và thu hồi được TS không chứng minh được nguồn gốc thu nhập cũng như có cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, quy định các biện pháp chế tài cụ thể, đảm bảo tính khả thi đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kê khai, giải trình. Đối với các khoản TN không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ bị phát hiện, khi có yêu cầu giải trình về nguồn gốc mà không giải trình được thì được xem là khoản TN bất hợp pháp, đồng thời chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Đẩy mạnh công tác quản lý thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thông qua tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, xây dựng cơ quan quản lý chung về kê khai, kiểm soát TSTN của cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước thông qua các công cụ quản lý được thiết lập. Cơ quan này được coi là cơ sở dữ liệu thông tin chung về TSTN trên toàn quốc....

Bổ sung quy định về nguyên tắc PCTN

Về vai trò xã hội trong PCTN, Đoàn Thanh niên Cơ quan T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, dự thảo luật cần có cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong đấu tranh PCTN, tăng cường, khuyến khích người dân hăng hái đấu tranh, phản ánh và tố cáo hành vi tham nhũng; phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội; chủ động phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc của các hội viên, nhân dân; kịp thời tham mưu cho cấp ủy chính quyền giải quyết, xử lý trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của hội viên, nhân dân; tăng cường sự phối hợp giữa Nhà nước và tổ chức này trong PCTN.

Mặt khác, theo vị đại diện này cũng cần tăng cường vai trò báo chí trong PCTN, báo chí có vai trò to lớn trong việc phát hiện, phản ánh các vụ việc tham nhũng, đồng thời báo chí có sức ảnh vô hình thúc đẩy giải quyết các vụ việc.

Đối với dự thảo Luật PCTN, đại diện này cho rằng cần bổ sung quy định về nguyên tắc PCTN để làm kim chỉ nam xuyên suốt các điều luật khác. Đồng thời nguyên tắc này sẽ thể hiện rõ quan điểm chủ đạo về PCTN của Đảng và Nhà nước, nó không chỉ có tác dụng làm kim chỉ nam cho các quy định khác mà còn có tác dụng lớn trong việc tuyên truyền, xử lý vi phạm. Một trong những nguyên tác cần được đặt ra là đảm bảo quyền và trách nhiệm của mọi các nhân, tổ chức trong PCTN...

Thái Hải