Công ước cũng được mở cho tất cả các tổ chức hội nhập kinh tế quốc tế khu vực ký nếu tổ chức đó có ít nhất 1 nước thành viên đã ký Công ước này.

Việt Nam là 1 trong 143 nước thành viên

Ngày 14/12/2005, Công ước có hiệu lực thi hành. Thành viên của UNCAC tính đến ngày 20/6/2010 lên tới 143 nước, với mục đích chung nhất là hình thành khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong hoạt động phòng, chống tham nhũng (PCTN) thông qua hệ thống các biện pháp phòng, chống hữu hiệu.

Ngày 10/12/2003,Việt Nam ký Công ước với bảo lưu gửi kèm theo Văn kiện phê chuẩn ngày 19/8/2009 và cam kết sẽ thi hành đầy đủ các quy định của Công ước. Ngoài ra, Việt Nam cũng tuyên bố gửi kèm theo Văn kiện phê chuẩn ngày 19/8/2009 phù hợp với nguyên tắc của pháp luật Việt Nam. Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc bởi các quy định về hình sự hoá hành vi làm giàu bất hợp pháp theo quy định tại Điều 20 và quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định tại Điều 26 Công ước…

Chỉ 1 tháng sau (ngày 18/9/2009), Công ước có hiệu lực thi hành đối với Việt Nam.

Ngày 7/4/2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 445/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Công ước nhằm nội luật hóa những quy định của Công ước mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Với việc phê chuẩn Công ước và ban hành Kế hoạch thực thi Công ước, Việt Nam đã có khuôn khổ chính trị - pháp lý khá hoàn chỉnh cho công tác PCTN, gồm Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành T.Ư khóa X (Nghị quyết T.Ư 3), Luật PCTN, Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực thi Công ước.

Ngày 29/11/2005, Luật PCTN đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8, thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2006 (thay thế Pháp lệnh PCTN năm 1996) và được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XII ngày 4/8/2007. Đây là đạo luật quan trọng thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công cuộc chống tham nhũng (CTN). Luật PCTN xác lập một khung pháp lý cơ bản làm tiền đề cho việc xây dựng chiến lược toàn diện và lâu dài cho cuộc đấu tranh PCTN ở Việt Nam. Luật PCTN đồng thời khẳng định với quốc tế rằng Việt Nam cam kết thực hiện Công ước của LHQ về đấu tranh CTN.

Hệ thống pháp luật về PCTN đồng bộ, tiên tiến

Qua sơ kết thực hiện giai đoạn I về thực hiện Công ước, về tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCTN và nội dung Công ước, Chính phủ đã phê chuẩn việc xây dựng thực hiện Đề án Đưa nội dung PCTN vào chương trình đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức (phù hợp với Điều 7, Khoản d, Công ước).

Trong năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị diện rộng theo các khu vực Bắc, Trung, Nam để tuyên truyền về Công ước, kết hợp với một số nội dung tập huấn nghiệp vụ PCTN. Trong quá trình tổ chức diễn đàn Đối thoại về PCTN với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN là những cơ quan đồng chủ trì đại diện cho Chính phủ, đã sử dụng diễn đàn để tuyên truyền về Công ước, thông tin về những kết quả bước đầu trong thực thi Công ước.

Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng và ban hành Đề án 4601 về “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCTN và Công ước LHQ về CTN trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân”. Một số bộ, ngành cũng ban hành chương trình của bộ, ngành mình như Bộ Công thương ban hành “Chương trình phổ biến pháp luật về PCTN và Công ước” theo Quyết định số 1620/QĐ-BCT ngày 30/3/2012…

Thời gian vừa qua, cùng với việc triển khai thực hiện các hoạt động giai đoạn I Kế hoạch, Việt Nam cũng đồng thời tiến hành rà soát, xây dựng Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước theo Nghị quyết về Cơ chế đánh giá của Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước. Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước đã phản ánh toàn diện, chi tiết mức độ phù hợp của thực trạng pháp luật PCTN của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của Công ước, cũng như hiệu quả của thực thi pháp luật trong thực tế.

Có thể nói, cho tới nay, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật về PCTN tương đối đồng bộ, khá tiên tiến. Các quy định của pháp luật PCTN của Việt Nam đã cơ bản phù hợp với nội dung của Công ước.

Đã chia sẻ thực tiễn tốt với các quốc gia thành viên

Căn cứ Nghị quyết về Cơ chế đánh giá việc thực thi Công ước được thông qua tại Hội nghị các quốc gia thành viên lần thứ 3 được tổ chức tại Qatar, tháng 11/2009; trên cơ sở kết quả rút thăm tại Cuộc họp lần thứ 3 của Nhóm Đánh giá được tổ chức tại Trụ sở Cơ quan LHQ về chống ma túy và tội phạm từ ngày 18 - 22/6/2012, trong năm 2012 - 2013, Việt Nam và Ixraen là hai quốc gia được lựa chọn để đánh giá việc thực thi Công ước của Cộng hòa Áo đối với Chương III về hình sự hóa, thực thi pháp luật (28 điều từ Điều 15 đến Điều 42) và Chương IV về hợp tác quốc tế (8 điều từ Điều 43 đến Điều 50).

Nhóm chuyên gia đã hoàn thành các công việc đề ra trong chuyến đánh giá thực địa tại Cộng hòa Áo. Tất cả các vấn đề còn có ý kiến khác nhau khi tiến hành đánh giá tại chỗ cơ bản đã được làm rõ và thống nhất. Căn cứ vào kết quả làm việc và những thông tin sẽ tiếp tục cung cấp bổ sung, các chuyên gia Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia Ixraen và Ban Thư ký để hoàn thành Báo cáo tóm tắt và Báo cáo đánh giá quốc gia về việc thực thi Công ước đối với Chương III, Chương IV của Cộng hòa Áo trước Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước lần thứ 5 diễn ra tại Panama (vào tháng 11/2013).

Kết quả cho thấy, Việt Nam đã thực hiện tốt nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong thực hiện cơ chế đánh giá thông qua việc tham gia đầy đủ các hoạt động theo hướng dẫn của Ban Thư ký; chủ động, tích cực phối hợp với Ixraen trong quá trình đánh giá, đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của cơ chế đánh giá quy định trong Nghị quyết số 3/1 của Hội nghị các quốc gia thành viên như: minh bạch, khách quan, không xếp loại theo thứ bậc và thúc đẩy PCTN ở phạm vi toàn cầu.

Đồng thời, chia sẻ những thực tiễn tốt về quá trình thực thi Công ước với các quốc gia thành viên, đặc biệt là các biện pháp tổ chức triển khai xây dựng báo cáo tự đánh giá; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan PCTN, việc giới thiệu các kết quả đánh giá thực thi Công ước và một số nội dung khác.

Kết quả đã được Ban Thư ký, các chuyên gia Ixraen và đại diện của Cộng hòa Áo đánh giá cao về kết quả làm việc của các chuyên gia Việt Nam. Trong quá trình làm việc, các chuyên gia Việt Nam đã thể hiện sự am hiểu của mình về nội dung đánh giá, quy trình đánh giá và đưa ra được những ý kiến quan trọng, khách quan góp phần xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia thực thi Công ước của Cộng hòa Áo.

Mặc dù lần đầu tiên tham gia cơ chế đánh giá đa phương đối với một công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, song các chuyên gia Việt Nam đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng nhằm đạt được những kết quả tốt nhất. Đồng thời, quá trình tham gia cũng giúp Việt Nam rút ra một số bài học thực tiễn như cần phải chuẩn bị một đội ngũ chuyên gia đi đánh giá có năng lực chuyên môn tốt, có kinh nghiệm thực tiễn và trình độ ngoại ngữ phù hợp để trực tiếp tham gia vào hoạt động đánh giá. Đây là yêu cầu quan trọng nhất để giúp Việt Nam thực hiện tốt nghĩa vụ quốc gia thành viên khi tham gia vào cơ chế đánh giá Công ước.

Phương Hiếu