Trao đổi với chúng tôi, ông Điệp cho biết, khoảng 7 giờ sáng hôm nay khi vừa đến cơ quan, đỗ xe trước cửa cổng thì nhóm công dân tỉnh Bạc Liêu bao gồm các ông, bà: Trịnh Thị Dung, Nguyễn Thị Chuối, Nguyễn Thị Giang, Phạm Thị Út, Nguyễn Thị Thủy, Lê Thị Ý, Nguyễn Thị Sanh, Huỳnh Bạch Thuận, Trần Văn Lắm và một số công dân là bà Đỗ Thị Thu (Thanh Hóa), Hồ Thị Niên (Nghệ An), Nguyễn Kim Thu (Bình Dương), Thích Đàm Bình (Ứng Hòa, Hà Nội) đã bao vay, túm áo, xô đẩy yêu cầu Trụ sở có văn bản gửi Bí thư, Chủ tịch tỉnh ra Hà Nội tiếp và đối thoại với công dân... 

Những hành động này khiến ông Điệp ngã ngửa, đập đầu vào gốc cây xoài trong sân Trụ sở. 

Mặc dù được ông Điệp giải thích, nhưng nhóm công dân không đồng ý, nên đã túm áo, cào cấu xây xước người ông Điệp, đồng thời giằng lấy cặp của ông Điệp. 

“Khi lực lượng bảo vệ hỗ trợ tôi vào cửa cổng thì các công dân lại tóm áo bảo vệ kéo ra, chặn cửa ra vào, không cho tôi tiếp cận cửa cổng. Sau đó, họ tiếp tục xô đẩy, lôi kéo làm người tôi ngã và đập đầu vào cây xoài, rồi la hét, chửi bới và tiếp tục đe dọa sẽ có hành vi tiếp theo đối với các đồng chí lãnh đạo và cán bộ tiếp dân tại Trụ sở”, ông Điệp cho biết.

Các công dân tại Thanh Hóa, Nghệ An thì Trụ sở mới tiếp chiều ngày 23/5. Riêng đối với đoàn Bạc Liêu đã lưu trú tại Trụ sở hơn 2 tháng và được tiếp nhiều lần. Trụ sở cũng đã có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh, nhưng nhóm công dân này vẫn không chịu về, tiếp tục đeo bám tại Trụ sở và vi phạm nội quy, quy chế Trụ sở, gây mất trật tự an ninh Trụ sở. 

Trước đây, nhóm công dân này cũng đã chặn xe, đập cửa kính, đe dọa đánh các lãnh đạo Trụ sở.

Báo động tình trạng công dân quá khích, manh động 

Thời gian gần đây, tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ thường xuyên xảy ra các vụ việc công dân tụ tập căng băng rôn, khẩu hiệu, la hét, đe dọa, nhổ nước bọt, chụp ảnh, quay phim, cởi quần áo, chặn xe lãnh đạo và hô khẩu hiệu để quay phim, chụp ảnh đăng lên các trang mạng. Các đoàn đông người đến Trụ sở với thái độ bức xúc, manh động, một số đối tượng có thái độ thiếu nghiêm túc, lời nói xúc phạm cán bộ tiếp dân. 

Các công dân khiếu kiện chây ỳ không trở về địa phương, thường xuyên tập trung tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tình hình an ninh trật tự tại Trụ sở và Hà Nội, gây tâm lý hoang mang cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân. 

“Đặc biệt, với sự việc hôm nay, anh, em tiếp dân chúng tôi rất hoang mang, lo sợ. Ngay cả Trưởng Ban Tiếp dân, công dân còn hành hung nữa thì chúng tôi, họ cũng không trừ”, một cán bộ tiếp dân nói.

Mới đây, bà Hồ Thị Niên đã có hành vi rung mạnh cửa cổng ra vào của Trụ sở làm hỏng bản lề cửa, kêu la ầm ĩ, chửi bới um tùm, dùng đá ném vào các phòng làm việc của Trụ sở.

Các vật chứng mà công dân dùng để ném vào các phòng làm việc của Trụ sở. Ảnh: TH

Rồi liên tục trong các ngày từ 17 - 20/5, bà Võ Thị Bé, công dân Bạc Liêu đã nằm chặn xe ô tô, dùng tay đập mạnh vào thành ô tô của ông Điệp, la hét ầm ĩ, bôi nhọ, vu khống làm mất uy tín, danh dự của ông Điệp. 

Ngày 19/5, vợ chồng công dân Nguyễn Văn Na và Lư Thị Thao, trú tại An Giang dùng 2 tay rung mạnh cổng sắt phía trong Trụ sở làm cửa cổng bị hỏng, nguy cơ đổ, đồng thời bà Thao đuổi đồng chí Bùi Thanh Thảo vào trong nhà A và cầm 2 chiếu ghế tựa của bảo vệ ném vào cửa kính của nhà A. Sau đó, cả 2 vợ chồng đều có những lời nói thiếu văn hóa xúc phạm, đe dọa sẽ phá tan Trụ sở Tiếp dân TƯ, xúc phạm uy tín, danh dự của Công an, bảo vệ và cán bộ Trụ sở.

Rồi cuối ngày 23/5, 2 cán bộ tiếp dân cũng bị đe dọa là sẽ giết chết nếu như không thực hiện yêu cầu của họ.

Trước đó, ngày 12/5, tại tầng 3, nhà A, Trụ sở Tiếp dân, ông Nguyễn Xuân Thái trú tại Nam Định đấm vào mặt cán bộ tiếp dân làm sứt môi, chảy máu, xây xát ở cánh tay phải và xô bàn ghế, đạp đổ máy tính trong phòng làm việc và chửi bới ầm ĩ, xúc phạm uy tín danh dự của đồng chí tiếp dân cũng như uy tín danh dự của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. 

Nghiêm trọng hơn, ngày 28/1, bà Phạm Thị Thuận (xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) đã bất ngờ rút dao giấu trong người chém bà Trần Thị Thu Hiền đang làm nhiệm vụ hướng dẫn ở Phòng Đăng ký đầu. Kết quả giám định thương tật của bà Hiền là là 13%; khởi tố tạm giam bà Thuận 4 tháng. 

Đây là các vụ việc tồn đọng, kéo dài, đã được các cơ quan TƯ kiểm tra, rà soát và vận động, giải thích nhiều lần nhưng công dân không đồng ý tiếp tục khiếu kiện với thái độ bức xúc, gay gắt ngày càng tăng.


Chiếc ghế bị gãy mà vợ chồng Na - Thao dùng để ném vào nhà A. Ảnh: TH

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Ban Tiếp dân TƯ Nguyễn Hồng Điệp cho biết, kể từ khi Đại hội Đảng đến nay, tại Trụ sở Tiếp dân, công dân liên tục vi phạm nội quy của Trụ sở. Các đối tượng khiếu kiện chây ỳ tập trung kết hợp với đoàn đông người của các địa phương hiện có mặt tại Trụ sở để gây áp lực đòi giải quyết, bên cạnh đó không ít trường hợp bị lôi kéo, xúi giục lợi dụng quyền KN,TC để gây rối.

Để đảm bảo an ninh trật tự tại Trụ sở và an toàn tính mạng cho cán bộ tiếp dân, Ban Tiếp dân TƯ đã có kiến nghị đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra tăng cường lưc lượng bảo vệ cho Trụ sở. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Công an có phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cơ quan tiếp dân. Tuy nhiên, tần xuất vi phạm trật tự Trụ sở ngày một gia tăng, trật tự, tính mạng của cán bộ tiếp dân ngày càng đe dọa nghiêm trọng. 

“Cùng với đó, việc phối hợp với các địa phương để vận động công dân trở về thiếu chặt chẽ. Các địa phương cử đoàn công tác ra nhưng không đủ thẩm quyền, không có biện pháp để đưa công dân về. Bộ phận lãnh đạo vô cảm với người dân và cán bộ tiếp dân. Đó là lý do mà công dân quá khích” - Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ cho hay.

Trưởng Ban Tiếp dân TƯ mong muốn Thủ tướng, Tổng Thanh tra, Chủ tịch UBND các địa phương nơi có công dân khiếu nại phải có biện pháp phối hợp chặt chẽ, giải quyết các vụ việc của công dân, hạn chế tình trạng công dân quá khích khiếu kiện lên cấp TƯ. Đồng thời có phương án bảo vệ an toàn tính mạng cho cán bộ tiếp dân; tăng cường lực lượng bảo vệ Trụ sở…

 “Hôm nay, nếu công dân có vũ khí nóng thì hậu quả sẽ khó lường”, ông Điệp nhấn mạnh. 

Thái Hải