Tại buổi toạ đàm, các đại biểu tập trung trao đổi một số vấn đề như: Các định hướng hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát thực thi công vụ ở các cơ quan hành chính Nhà nước như: Quốc hội; Hội đồng nhân dân các cấp; xã hội (Mặt trận Tổ quốc, báo chí, người dân, Đảng); các cơ quan tư pháp (Toà án, Viện Kiểm sát...); các cơ quan thanh tra. 

GS.TS Trần Ngọc Đường băn khoăn: Chữ "giám sát" mà bao gồm cả thanh tra, kiểm soát thì không khả thi, mà theo Hiến pháp thì chỉ có cơ chế nhân dân kiểm soát. Theo đó gồm các nội dung như:

Kiểm soát giữa các quyền với nhau, trong đó chủ yếu kiểm soát hành pháp mà bên trong mỗi quyền là tự kiểm soát mình, trong đó thanh tra và kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau.

Thứ hai là kiểm soát theo luật định, thì cần có luật định. Vì vậy phải dựa theo Hiến pháp 2013, phải kiểm soát cái gì, nhưng phải theo quyền lực.

"Kiểm soát hay giám sát việc thực thi công vụ cái gì? Nếu không làm rõ được thì không biết thế nào là giám sát. Vì vậy, cần làm rõ các cơ quan giám sát cái gì? Trên cơ sở đó mới đánh giá được thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát", ông Đường nhấn mạnh

Đối với việc giám sát thực thi công vụ ở Quốc hội, theo ông Đường, trên phần lý luận việc thực thi công vụ là một nội dung quan trọng của quyền hành pháp, như vậy Quốc hội mới thực thi công vụ đó là, giám sát các văn bản quy phạm pháp luật của chính phủ đối với việc thực thi công vụ của Chính phủ.

Đối với thanh tra thì các cơ quan giám sát bên trong rất quan trọng, đó là cấp trên giám sát đối với cấp dưới, nên theo ông Đường "đánh giá thì phải đánh giá bên trong".

Đối với Mặt trận Tổ quốc thì chỉ giám sát việc thực thi công vụ khi công chức đó vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, các thành viên, các tổ chức thành viên đó.

Ngoài ra, còn có chủ thể giám sát chính là cá nhân công dân thực hiện các quyền trực tiếp, quyền tham gia quản lý Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Kim, nguyên quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, băn khoăn về quan điểm giám sát tối cao của Quốc hội, nhân dân.

Theo ông Kim, việc giám sát phạm vi cơ quan hành chính Nhà nước, bản thân cơ quan hành chính Nhà nước là thực hiện nhiệm vụ quản lý và kiểm soát thành viên trong hệ thống đó thực hiện nhiệm vụ như thế nào. 

Theo Luật Thanh tra, chức năng các cơ quan thanh tra Nhà nước là  giúp thủ trưởng kiểm tra các cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ và phải tiến hành kiểm tra liên tục, trong trường hợp có vấn đề thì thanh tra có quyền kết luận, kiến nghị xử lý, còn nếu vượt qua thẩm quyền thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Còn đối với giám sát, ngoài thanh tra, kiểm tra ra thì câu hỏi đặt ra các cơ quan này có quyền giám sát không? Trong trường hợp này, theo ông Kim là không? 

"Thực tế, đối với hoạt động thanh tra, công chức thực hiện nhiệm vụ được giao và nếu phát hiện sai phạm sẽ kiến nghị xử lý, nhưng nếu phát hiện về sai phạm cơ chế thì cơ quan thanh tra không làm được. Vậy cái đó làm được giám sát không?", ông Kim đặt câu hỏi.

Về loại hình thanh tra có hai loại hình: Hướng trong là kiểm soát trong bộ máy gắn với thực thi công vụ, việc này cơ quan thanh tra cũng kết luận, nhưng việc xử lý liên quan đến con người nên khó.

Hướng ngoài là thanh tra các cá nhân, tổ chức thực thi công vụ. Vấn đề này thực chất nó là thanh tra chuyên ngành

"Phải làm rõ cơ chế giám sát thanh tra, thực thi công vụ cơ quan hành chính là cái gì?", ông Kim nêu ý kiến.

Đồng quan điểm với GS.TS Trần Ngọc Đường, đại diện Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, cơ chế giám sát trong Quốc hội chỉ nên dừng lại ở quyền kiến nghị hoàn thiện pháp luật, chứ không nên kiến nghị, giám sát từng vụ việc cụ thể, không giám sát hoạt động cơ quan tư pháp.

Về hoạt động giám sát của Quốc hội cũng chỉ nên giới hạn ở Chính phủ chứ không thể giám sát xuống địa phương...

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu cũng thảo luận các giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện cơ chế giám sát thực thi công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước; quy định của pháp luật về tổ chức thực hiện cơ chế giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước; giải pháp đổi mới cơ chế giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Thái Hải