Trình bày nội dung tại hội thảo, TS Trần Văn Long cho biết, Luật Thanh tra 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra Nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật Thanh tra cũng có những quy định về hoạt động thanh tra trong các cơ quan khác của Nhà nước. Khoản 1, Điều 76 của Luật quy định, căn cứ vào quy định của Luật Thanh tra và các quy định khác của Nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Nhà nước tổ chức và chỉ đạo hoạt động thanh tra trong ngành, cơ quan mình. 

Quy định này xác lập nguyên tắc cơ bản cho tổ chức và hoạt động thanh tra trong các cơ quan Nhà nước khác, trong đó có bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập, như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các trường đại học, viện nghiên cứu...

Đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là bộ phận cấu thành của bộ máy cơ quan Nhà nước và chịu sự quản lý Nhà nước cả về tổ chức cũng như hoạt động. Đặc trưng của đơn vị sự nghiệp công lập để phân biệt với cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và các cơ quan, tổ chức khác, là vị trí pháp lý, tính chất hoạt động và đội ngũ viên chức.

Các đơn vị sự nghiệp được các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và là bộ phận cấu thành trong cơ cấu tổ chức cơ quan Nhà nước, nhưng không mang quyền lực Nhà nước, không có chức năng quản lý Nhà nước... 

Với những đặc thù như vậy, nhưng các quy định thì chỉ mang tính nguyên tắc, không có hướng dẫn cụ thể, đã làm nảy sinh những tồn tại, bất cập trong tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị này. 

Cơ cấu tổ chức thanh tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức không thống nhất; hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị đặc thù hơn so với các cơ quan Nhà nước khác, nhưng lại không có cơ chế áp dụng đặc thù, chỉ theo những quy định về trình tự thủ tục chung mà không có quy định hướng dẫn cụ thể, trực tiếp về vấn đề này.

Việc này dẫn đến sự không thống nhất trong áp dụng những quy định về thanh tra, không kiểm soát được chất lượng thanh tra, kiểm tra cũng như giám sát, phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực tại các đơn vị này.

Chính vì vậy, mà việc nghiên cứu đề tài này sẽ cung cấp cơ sở khoa học trực tiếp cho việc hoàn thiện pháp luật thanh tra về vấn đề này.

Cho ý kiến tại hội thảo, đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, việc nghiên cứu vấn đề này là cần thiết. 

Ngoài việc áp dụng Luật Thanh tra 2010, các đơn vị sự nghiệp công lập gặp nhiều khó khăn và hạn chế, các đơn vị sự nghiệp công lập có quy mô lớn do Chính phủ thành lập cũng có nhu cầu tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra, để giúp người đứng đầu xem xét, đánh giá được các quyết định quản lý của mình. 

Tuy nhiên, việc không có các quy định hướng dẫn cụ thể và thiết chế thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đã dẫn đến sự không thống nhất trong tổ chức, từ tên gọi đến quy mô.

Cũng theo vị này, đề tài cần nêu rõ đối tượng nghiên cứu và nhiệm vụ đề tài là nghiên cứu tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chính phủ, không phải đơn vị sự nghiệp của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Đồng quan điểm, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cho rằng, việc không quy định rõ ràng về tổ chức và các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập đã ảnh hưởng đến việc áp dụng các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn cho người làm công tác thanh tra tại các đơn vị này. 

Mặt khác, các chế độ, chính sách cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra chưa tương xứng, phù hợp với các chính sách cho cán bộ làm công tác thanh tra nói chung.

"Nếu áp dụng chính sách không phù hợp có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm tư, tinh thần, trách nhiệm của các cán bộ, viên chức làm công tác thanh tra tại các đơn vị này", đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, đồng thời cũng đề nghị cần chỉnh sửa lại phạm vi đối tượng nghiên cứu nên hướng vào các đơn vị sự nghiệp thuộc Chính phủ.

Còn theo đại diện Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, cần bổ sung thêm một vài đơn vị để nghiên cứu. Rà soát lại một số nội dung để sắp xếp vào đúng các chương; tránh trùng lặp ở phần phạm vi nghiên cứu.

Phần thực trạng cần bổ sung thêm những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động thanh tra tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt là việc quy định rõ ràng về tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra của các đơn vị này, để từ đó đưa ra những giải pháp hoàn thiện và có tính khả thi hơn...

Thái Hải