Ngày 8/12, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Văn phòng Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức hội nghị bàn tròn chu trình đánh giá thứ hai về thực thi công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).

Khoảng 2,6 nghìn tỷ USD hàng năm bị đánh cắp

Chu trình thứ hai tập trung đánh giá việc thực hiện Chương II về các biện pháp phòng ngừa và Chương V về thu hồi tài sản tham nhũng.

Ông Nguyễn Hữu Lộc, quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Thanh tra Chính phủ cho biết, qua bốc thăm, Việt Nam được lựa chọn là quốc gia được đánh giá trong năm 2017 và sẽ cùng Hàn Quốc tiến hành đánh giá việc thực thi UNCAC của Quốc đảo Solomon.

“Thời gian tới, công tác thực thi UNCAC của Việt Nam sẽ rất nặng nề. Việt Nam vừa phải xây dựng báo cáo đánh giá việc thực thi UNCAC của mình trong chu trình hai, vừa phải tiến hành đánh giá đồng thời việc thực hiện cả 4 chương của UNCAC (chương II và V đối với Solomon; Chương III và IV đối với Công gô)”, ông Lộc nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các chuyên gia đánh giá, thời gian qua, Việt Nam đã có những tiến triển đáng kể trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

“Tham nhũng là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế của xã hội thế giới. Ước tính có khoảng 2,6 nghìn tỷ USD đang bị đánh cắp hàng năm thông qua tham nhũng - một khoản tiền tương đương với hơn 5% của GDP toàn cầu”, ông Francesco Checchi, cố vấn về PCTN khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của UNODC thông tin.

Ở các nước đang phát triển, theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, ước tính số tiền bị thất thoát do tham nhũng bằng khoảng 10 lần số ngân sách dành cho viện trợ phát triển chính thức... UNODC cho rằng, nhổ tận gốc nạn tham nhũng đã trở nên vô cùng quan trọng.

“Tất cả chúng ta đều có phần liên quan trong cuộc chiến chống tham nhũng. Chúng tôi mong muốn có sự thống nhất, sự tham gia của Chính phủ, khu vực tư nhân, người dân, phương tiện thông tin đại chúng để chống lại tham nhũng”, ông Francesco Checchi nói và nhấn mạnh lại một lần nữa: Tham nhũng kìm hãm sự phát triển, tước đi sự thịnh vượng, các quyền, các dịch vụ, việc làm của người dân.

Thu hồi tài sản tham nhũng là “mục tiêu thiết yếu”

Giai đoạn 2006 - 2016, Việt Nam không ngừng hoàn thiện thể chế, tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm người đứng đầu để PCTN hiệu quả, trong đó xác định phòng ngừa là “trụ cột căn bản”, thu hồi tài sản tham nhũng là “mục tiêu thiết yếu”.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho biết, Luật PCTN sửa đổi sẽ quy định bổ sung quyền hạn cho các cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tài sản, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán, che giấu hoặc chuyển dịch tài sản tham nhũng. Ảnh: TN

 

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong giai đoạn này, 918 người đứng đầu đã bị xử lý về việc thiếu trách nhiệm dẫn đến tham nhũng, trong đó có 800 người bị xử lý kỷ luật, 118 người bị xử lý hình sự.

Có điều, một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý, vẫn còn tình trạng bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh, cũng như xuất hiện tình huống xung đột lợi ích của người đứng đầu. Đáng chú ý, các cơ quan chức năng dù đã phối hợp, tương trợ để thu hồi tài sản tham nhũng, nhưng tỷ lệ mới dưới 10%.

“Tỷ lệ thu được thấp; chậm phát hiện; chậm xử lý tài sản; tương trợ tư pháp khó khăn; nỗ lực chậm được thi hành”, ông Hùng liệt kê một loạt hạn chế và cho biết, nguyên nhân là do phải thực hiện qua kênh truy tố, xét xử, có bản án, sau đó mới kê biên tài sản khiến tội phạm tham nhũng có thời gian tẩu tán tài sản.

Thực tế cũng cho thấy, có những vụ án mà hành vi tham nhũng đã thực hiện nhiều năm trước, số tiền tham nhũng đã sử dụng các mục đích khác nhau, tiêu xài cá nhân hoang phí nên đến khi có xét xử, rõ bản án thì tài sản không còn.

Để tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng, theo lãnh đạo Cục Chống tham nhũng, Luật PCTN sửa đổi sẽ quy định bổ sung quyền hạn cho các cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tài sản, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán, che giấu hoặc chuyển dịch tài sản tham nhũng. Cùng với đó, bổ sung quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; thanh toán qua tài khoản các khoản chi lớn…

Kinh nghiệm thế giới: Thu tài sản mà “không cần tuyên án”

Từ kinh nghiệm thế giới, ông Shervin Majlessi, cố vấn pháp luật cao cấp của Ngân hàng Thế giới/Sáng kiến về thu hồi tài sản bị đánh cắp của UNODC cho biết, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng tịch thu tài sản theo thủ tục dân sự mà “không cần tuyên án” (NCB).

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TN

 

Cách thức áp dụng biện pháp NCB có thể khác nhau, nhưng có một “mẫu số” chung là hướng vào tài sản chứ không phải cá nhân. Đồng thời, phải đầy đủ bằng chứng để xác định được mối liên hệ giữa tài sản bị tịch thu với hành vi vi phạm pháp luật của nghi can.

“Ở Hoa Kỳ, trong một vụ mới đây nhất, nếu chờ quan tòa phán quyết sẽ mất rất nhiều thời gian, nên họ sử dụng biện pháp NCB để tịch thu khoản tiền hơn 1 tỷ USD. Nhưng nếu sử dụng biện pháp này phải có cơ chế để tránh tình trạng lạm dụng”, cố vấn pháp luật cao cấp Shervin Majlessi khuyến nghị.

Cũng theo ông Shervin Majlessi, tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng quốc gia lựa chọn áp dụng thủ tục dân sự hay thủ tục hình sự để thu hồi tài sản tham nhũng. Quan trọng là khi phát hiện có hành vi vi phạm phải tiến hành phong tỏa tài sản để tránh tình trạng tẩu tán. Đến khi có bị kết tội, có bằng chứng thì tịch thu tài sản.

Thảo Nguyên