Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội (QH) và các đại biểu QH về việc triển khai thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn lĩnh vực nội vụ.

Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Nội vụ đã thực hiện 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng.

Bộ đã tiến hành 12 cuộc thanh tra theo kế hoạch tại Bộ Xây dựng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, TP: Hậu Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hưng Yên, Lâm Đồng, Cần Thơ, Khánh Hòa và Đồng Nai.

11 cuộc kiểm tra đột xuất đã được thực hiện, trong đó có kiểm tra việc xử lý kỷ luật đối với ông Huỳnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Bạc Liêu; kiểm tra nội dung phản ánh của báo chí và doanh nghiệp về một số việc tiêu cực xảy ra tại Cục Hải quan TP Hải Phòng...

Qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Nội vụ đã phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác tổ chức cán bộ của các bộ, ngành, địa phương.

Điển hình như việc giao và sử dụng biên chế hành chính vượt quá chỉ tiêu; tuyển dụng, tiếp nhận không qua thi tuyển không đúng đối tượng, không đúng quy định; tuyển dụng theo chính sách thu hút không đúng quy định.

Nhiều nơi còn sai phạm trong bổ nhiệm ngạch khi chưa có đủ bằng cấp, chứng chỉ; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn, thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng quy trình, thủ tục bổ nhiệm; một số cơ quan, đơn vị có số lượng cấp phó vượt quá quy định…

Mặc dù phát hiện có nhiều tồn tại, hạn chế, sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, song các bộ, ngành, địa phương chưa vào cuộc quyết liệt và có những biện pháp đủ mạnh để xử lý vi phạm. Chủ yếu là đề nghị đối tượng thanh tra, kiểm tra kiểm điểm, rút kinh nghiệm và cho thời gian nhất định để tự khắc phục.

Nguyên nhân được đưa ra là hiện chưa có chế tài để xử lý các vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ.

“Việc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, hủy bỏ các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng quy định gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện vì thiếu cơ sở pháp lý”, báo cáo nêu.

Ngoài ra, công tác tổ chức cán bộ ngoài việc thực hiện theo pháp luật của Nhà nước còn phải thực hiện theo các quy định của Đảng. Ví dụ như công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển...

Song hiện tại, một số quy định của Đảng và pháp luật còn chưa thống nhất, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Từ thực tế này, Bộ Nội vụ cũng đã đề đề nghị xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tổ chức cán bộ làm cơ sở pháp lý trong việc xử lý đối với những trường hợp sai phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ.

Lương tăng thêm 20,9%, đời sống cán bộ vẫn còn khó khăn

Thực hiện nghị quyết của QH về hoạt động tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020, hàng năm Chính phủ đã điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 7%/năm.

Năm 2015 mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng thì đến năm 2018 (sau 3 năm) đã điều chỉnh lên 1.390.000 đồng/tháng, tăng thêm 20,9% cao hơn chỉ số giá tiêu dùng cùng kỳ do Tổng cục Thống kê công bố.

“Nhưng đời sống của đa số người hưởng lương vẫn còn khó khăn”, Chính phủ báo cáo.


4 năm, tinh giản được hơn 40.000 biên chế

Theo Bộ Nội vụ, tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 được Bộ này thẩm tra từ năm 2015 đến ngày 30/9/2018 là 40.203 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; 9 tháng đầu năm 2018 là9.842 người).

Trong đó, hưởng chính sách về hưu trước tuổi 34.729 người (chiếm 86,39%); hưởng chính sách thôi việc ngay 5.405 người (chiếm 13,44%); hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học: 29 người (chiếm 0,07%); hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước 40 người (chiếm 0,1%).

Hương Giang