Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắc Nông, thời gian qua nhiều công dân từ các tỉnh, thành khác đã đến khu vực xã Đắc Ngo, Quảng Trực bao chiếm đất lâm nghiệp, đất rừng để trồng cây nông nghiệp ngắn ngày. 

Vì nhiều nguyên nhân như công tác quản lý đất rừng chưa đúng quy định, các chủ rừng không đủ sức giữ rừng nên hơn 4.000 ha đất rừng đã bị người dân xâm canh, bao chiếm. Thậm chí, đã xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật tại các khu vực này khi các hộ dân sang nhượng lại phần đất đã bao chiếm, xuất hiện việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp, giữa người dân với cơ quan chức năng.

Đáng chú ý, có hàng trăm hộ dân thường trú tại tỉnh Bình Phước nhưng đã sang xâm canh lấn chiếm tại các xã thuộc địa bàn các huyện của tỉnh Đắc Nông. Khi cơ quan chức năng tiến hành xử lý thì phát sinh hiện tượng khiếu nại, tố cáo vượt cấp. 

Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Đắc Nông và UBND tỉnh Bình Phước đã có nhiều nỗ lực phối hợp giải quyết nhưng vẫn chưa dứt điểm.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy đề nghị phải có cơ chế phù hợp để xử lý dứt điểm khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất rừng. Ảnh: Ngọc Giang

Đề xuất hướng giải quyết đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn, các thành viên tham gia buổi làm việc đã thống nhất quan điểm cần vận dụng quy định, chính sách phù hợp để bảo vệ quyền lợi của nhân dân, quan tâm đến người dân là đồng bào tại địa phương, người dân từ các địa phương khác di cư đến chưa có đất ở, đất sản xuất. 

Quan điểm của UBND tỉnh Đắc Nông tại buổi làm việc là kiến nghị các bộ, ngành có văn bản báo cáo xin Chính phủ cho phép chuyển đổi từ 300 - 500ha rừng nghèo để xây dựng Đề án Quy hoạch, bố trí đất sản xuất lâm nghiệp cho số hộ dân đang bao chiếm, xâm canh trên đất rừng. 

Trong điều kiện thực tế, UBND tỉnh Đắc Nông sẽ tiến hành thu hồi lại một phần diện tích của các tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả để bố trí cho các hộ dân thiếu đất ở, đất sản xuất. Đề xuất này của UBND tỉnh Đắc Nông đã nhận được sự đồng tình của các thành viên tham gia buổi làm việc.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắc Nông đề xuất hướng xây dựng khu dân cư để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho nhân dân. Ảnh: Ngọc Giang

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến về định hướng, cách làm để xử lý tình trạng dân bao chiếm, xâm canh tại một số xã của tỉnh Đắc Nông, kết luận buổi làm việc, các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình, Lê Thị Thủy đã giao Cục II phối hợp cùng các cơ quan chức năng nhanh chóng tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo để lãnh đạo Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ với các nội dung trọng tâm như: Xin chủ trương cho phép UBND tỉnh Đắc Nông lập Dự án Xây dựng điểm dân cư gắn với chủ trương xây dựng nông thôn mới tại các xã đang xảy ra tình trạng xâm canh, bao chiếm đất rừng để người dân có nơi an cư lạc nghiệp. 

Nguồn kinh phí sẽ xin bố trí theo các chương trình định canh định cư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Diện tích đất xây dựng điểm dân cư và đất sản xuất cho nhân dân sẽ bố trí từ quỹ đất thu hồi một phần diện tích của các dự án lâm nghiệp, dự án được giao đất của các đơn vị kinh tế nhưng sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác giao đất, giao rừng đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn lịch sử biến động đất đai tại mỗi địa phương, đặc biệt là các huyện giáp ranh. 

Trước mắt, cần chủ động đánh giá rõ thực trạng đất rừng; các định nhân thân, hộ khẩu, điều kiện kinh tế của các hộ dân xâm canh… Nâng cao vai trò lãnh đạo của tỉnh ủy, vai trò chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắc Nông, tỉnh Bình Phước, gắn với quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành để thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong xử lý tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến xâm canh, bao chiếm, giao đất, giao rừng tại hai địa phương.

      

  Ngọc Giang