Trước đó, ngày 22/4, ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cùng lãnh đạo các sở, ngành đã đi kiểm tra tình hình khai thác các mỏ cát, sỏi trên tuyến sông Lô đối với các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác thuộc địa bàn thành phố Việt Trì và huyện Phù Ninh. 

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Thọ đã nghiêm túc triển khai, tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là quản lý chặt chẽ việc khai thác cát sỏi trên các tuyến sông.

Tỉnh Phú Thọ cũng đã phối hợp với 5 tỉnh, thành là: Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang, Hòa Bình trong công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản.

Qua kiểm tra cho thấy, tại các điểm mỏ của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác dọc tuyến sông Lô thuộc địa bàn thành phố Việt Trì và huyện Phù Ninh, các doanh nghiệp khai thác đúng chỉ giới cấp phép theo quy định.

Tuy nhiên, tại một số điểm đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, độ sâu khai thác vượt quá quy định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Hoàng Công Thủy giao Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT và các cơ quan liên quan thanh tra toàn diện quá trình khai thác cát sỏi trên sông Lô đối với tất cả các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thuộc địa bàn thành phố Việt Trì và huyện Phù Ninh; thanh tra toàn diện đối với dự án xây dựng bãi bốc xếp hàng hóa của Công ty TNHH Thương mại và Nuôi trồng thủy sản Ánh Nhật tại địa bàn xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nếu còn để xảy ra tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lô và các tuyến sông khác trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

UBND các huyện, thành, thị và chính quyền các xã, thị trấn phải tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ việc khai thác cát sỏi trên địa bàn, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn quản lý.

Được biết, trên sông Lô thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ đã có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi, tuy nhiên trong quá trình khai thác các đơn vị này đã có những vi phạm như khai thác không đúng dẫn đến sạt lở đất canh tác của người dân khiến dư luận bức xúc.

Trước đó, ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã cùng đoàn đi kiểm tra thực địa hoạt động khai cát trên sông Lô

Cũng vấn đề khai thác cát sỏi trên sông Lô và sông Hồng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi trên hai tuyến sông nói trên tạm dừng khai thác từ 7 giờ 30 phút ngày 28/3, và khẳng định mọi hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi trên hai tuyến sông Lô và sông Hồng thuộc địa bản tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra sau thời điểm này là khai thác khoáng sản trái phép.

Hiện, trên tuyến sông Lô, từ năm 2010, tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép cho 10 doanh nghiệp hoạt động với thời hạn từ 4 đến 10 năm, trong đó tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản chỉ đạo dừng khai thác đối với ba đơn vị: Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái, Công ty TNHH An Viên, Công ty Cổ phần Đầu tư Thái An và có bốn công ty xin dừng khai thác trong hai năm 2017 và 2018.

Trên tuyến sông Hồng, UBND tỉnh cấp phép cho 6 đơn vị, thời hạn từ 5 đến 12 năm, trong đó đã có 4 công ty tỉnh đã có văn bản chỉ đạo dừng khai thác từ năm 2015 và 2018, là Công ty TNHH MTV Sáng Sơn, Công ty Cổ phần TMS Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng, Công ty TNHH An Viên và Chi nhánh Công ty Cát Vàng tại Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã phối hợp UBND tỉnh Phú Thọ, TP Hà Nội xây dựng và ký ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc.

Nam Dũng