Trong không khí chào mừng 74 năm ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/2945 – 23/11/2019), phóng viên Báo Thanh tra đã có dịp trao đổi ngắn với ông Bùi Minh Tân - Chánh Thanh tra tỉnh Sơn La về việc triển khai công tác của Thanh tra tỉnh năm 2019 và những kết quả đạt được cũng như thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

+ Thanh tra tỉnh Sơn La là đơn vị được vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ năm 2018. Điều này đã khích lệ phong trào thi đua của ngành Thanh tra tỉnh Sơn La như thế nào trong việc thực thi nhiệm vụ năm 2019, thưa ông?

- Thanh tra tỉnh Sơn La là 1 trong 18 đơn vị được vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của ngành Thanh tra năm 2018. Đó là niềm tự hào và là nguồn động viên khích lệ để các cơ quan thanh tra trong tỉnh cùng anh em cán bộ, công chức ngành Thanh tra Sơn La tiếp tục hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với tinh thần đó, trong năm 2019, Thanh tra tỉnh Sơn La đã bám sát định hướng của Thanh tra Chính phủ, nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng chương trình kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, dư luận xã hội quan tâm.

Toàn ngành Thanh tra tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện 309 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có 286 cuộc theo kế hoạch và 23 cuộc đột xuất; đến hết tháng 10/2019 đã kết thúc 275 cuộc, ban hành 278 kết luận, còn 34 cuộc vẫn đang triển khai thực hiện.

Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 21,4 tỷ đồng, kiến nghị xử lý thu hồi nộp ngân sách hơn 9,2 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 12,2 tỷ đồng; ban hành 85 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 cá nhân và 53 tổ chức với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm 300 cá nhân và 239 tổ chức.

Tính đến hết tháng 10/2019, đã thu hồi về ngân sách hơn 6,3 tỷ đồng sai phạm phát hiện qua thanh tra, đạt gần 69%; thu hồi ngân sách gần 2,9 tỷ đồng từ phạt vi phạm hành chính, đạt gần 87% và đã tiến hành kiểm điểm 260 cá nhân và 173 tổ chức, đạt hơn 80%; ngoài ra, các cơ quan thanh tra còn thu hồi ngân sách Nhà nước các sai phạm phát hiện từ các cuộc thanh tra năm trước gần 3 tỷ đồng.

Ông Bùi Minh Tân, Chánh Thanh tra tỉnh Sơn La. Ảnh: Trần Kiên

+  Ông có thể đánh giá về hiệu quả của công tác thanh tra tại Sơn La và những kết quả nổi bật mà ngành Thanh tra tỉnh đã đạt được trong năm 2019?

- Trong năm 2019, Thanh tra tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh Sơn La quản lý tốt công tác quản lý Nhà nước về công tác thanh tra; xây dựng kế hoạch thanh tra bám sát định hướng của Thanh tra Chính phủ và nhiệm vụ chính trị được giao; chỉ đạo các cơ quan thanh tra cấp sở, cấp huyện xây dựng kế hoạch thanh tra, tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng theo định hướng của Thanh tra Chính phủ, loại bỏ chồng chéo trong hoạt động thanh tra; hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan thanh tra triển khai toàn bộ chương trình kế hoạch thanh tra được phê duyệt và nhiệm vụ đột xuất được giao. Công tác thanh tra có nhiều tiến bộ, thời gian thanh tra trực tiếp được rút ngắn nhưng chất lượng vẫn đảm bảo.

Các cơ quan Thanh tra đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, tỉnh Sơn La cũng thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, việc thực hiện kết luận thanh tra đã được quan tâm, tỷ lệ thu hồi sai phạm phát hiện qua thanh đạt khá; công tác kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm đã được thực hiện kịp thời.

Nhìn chung, kết quả thanh tra năm 2019 đã có những đóng góp tích cực vào hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một số cơ quan thanh tra triển khai tốt công tác thanh tra, phát hiện sai phạm lớn như: Thanh tra tỉnh; Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường; Thanh tra các huyện: Thành phố, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Sốp Cộp...

+ Ông có đề xuất, kiến nghị gì với Trung ương cũng như Thanh tra Chính phủ trong việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách để hoạt động thanh tra được hiệu quả hơn?

- Để công tác thanh tra đạt hiệu quả cao hơn, tôi thấy có một số điểm Trung ương cũng như Thanh tra Chính phủ nên nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn của công tác thanh tra hiện nay.

Thứ nhất là đối với các bộ, ngành Trung ương: Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như: Quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý thu, chi ngân sách, quản lý tài sản công, công tác tổ chức, cán bộ… Xây dựng và hoàn thiện các quy định liên quan về chế độ, định mức, tiêu chuẩn phù hợp, sát với thực tế. Tiếp tục thực hiện cải cách thực chất chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức; thực hiện chính sách đãi ngộ, tiền lương hợp lý trong một số lĩnh vực đặc thù, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về kiểm toán nhằm phân định phạm vi hoạt động giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Tài chính, khắc phục sự chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Thứ hai là với Thanh tra Chính phủ: Tại Điều 41 Luật Thanh tra năm 2010 đã quy định về xử lý hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra nhưng chỉ quy định mang tính nguyên tắc chung. Kiến nghị Thanh tra Chính phủ tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra. Trong đó, cần quy định cụ thể chế tài xử lý, biện pháp cưỡng chế đối với các tổ chức, cá nhân khi hết thời hạn trong kết luận thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu trong kết luận thanh tra.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Kiên