Trao đổi với PV Báo Thanh tra, quyền Chánh Thanh tra tỉnh Phạm Văn Đô cho biết, trong giai đoạn 2013 - 2018, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao và sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh Long An đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác thanh tra hàng năm đạt yêu cầu đề ra. Công tác thanh tra kinh tế - xã hội đã bám sát vào chương trình, kế hoạch được duyệt và chỉ đạo đột xuất của cấp trên; đã chú trọng vào chất lượng từng cuộc thanh tra, không tập trung vào số lượng; kết luận thanh tra có tính khả thi cao góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2013 tới 2018, Thanh tra tỉnh đã triển khai được 67 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội. Qua thanh tra, đã phát hiện 72 đơn vị có sai phạm với tổng số tiền 48,4 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 15,7  tỷ đồng, kiến nghị khác 32,7 tỷ đồng; đã thu hồi 15,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 96,8%; xử lý hành chính 32 cá nhân, 19 tổ chức; xử phạt vi phạm hành chính 5 tổ chức; chuyển cơ quan điều tra 5 vụ, 8 đối tượng.

Các sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân sách như thu chi để ngoài sổ sách, chi vượt chế độ, sai đối tượng, không mở sổ sách kế toán, sổ sách không cập nhật rõ ràng, lập chứng từ giả, chứng từ khống, lợi dụng chức vụ để chiếm dụng tiền ngân sách…

 

Chủ tịch UBND tỉnh Long An trao quyết định giao quyền Chánh Thanh tra tỉnh cho Phó Chánh Thanh tra tỉnh - Phạm Văn Đô. Ảnh: CT

 

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng sai phạm chủ yếu như thanh toán vượt dự toán, không đúng khối lượng thực tế thi công; chủng loại vật tư không đúng dự toán; tư vấn đấu thầu xác định giá sai với hồ sơ đấu thầu được duyệt làm thiệt hại ngân sách; giám sát công trình không chặt chẽ, gây thiệt hại…

Nói về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, ông Phạm Văn Đô cho biết, Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, phối hợp thực hiện trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTC, nhất là đối với các vụ việc khiếu nại kéo dài; chủ động dự báo tình hình, hỗ trợ các địa phương tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc phức tạp; công tác hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai được đặc biệt coi trọng, do đó, tình hình KNTC phức tạp giảm rõ, không còn điểm nóng.

Đáng chú ý, từ năm 2014, Thanh tra tỉnh Long An bắt đầu thực hiện mô hình công tác dân vận trong giải quyết KNTC. Thanh tra tỉnh phân công Phòng Thanh tra giải quyết KNTC 1 trực tiếp thực hiện mô hình. Trong quá trình tiếp công dân, giải quyết KNTC, nếu thấy việc KNTC của người dân không đúng, chưa phù hợp quy định pháp luật, kết quả giải quyết không mang lại quyền lợi cho công dân; công chức tiếp công dân, công chức giải quyết KNTC, lãnh đạo phòng vận dụng kiến thức pháp luật, kỹ năng thuyết phục, dân vận để vận động người dân rút đơn KNTC.

Kết quả đã vận động công dân tự nguyện rút 55/574 đơn thuộc thẩm quyền. Nhờ đó đã tiết kiệm cho Nhà nước, thời gian và tiền bạc. Cụ thể: Đối với 55 đơn thư được rút trong kỳ đã tiết kiệm cho Nhà nước hơn 1.000 ngày làm việc và 83 triệu đồng (tiền công tác phí của Đoàn xác minh, tiền văn phòng phẩm, tiền hội họp các ngành khi thông qua vụ việc tại UBND tỉnh…)

Trước những kết quả đáng khích lệ trong công tác thanh tra cũng như giải quyết KNTC trong thời gian vừa qua, không thể không nhắc tới những sáng kiến, đề tài nghiên cứu của các cá nhân, tập thể Thanh tra tỉnh Long An.

Một trong số đó phải kể tới đó là Đề án “Công khai minh bạch việc quy hoạch, triển khai và phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư đến người dân đối với 2 dự án Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An” đã được Ban tổ chức Chương trình Sáng kiến phòng chống tham những Việt Nam 2013 trao giải là 1 trong 24 đề án xuất sắc nhất. Đề án đã được UBND tỉnh Long An thống nhất giao Thanh tra tỉnh phối hợp với các ngành chức năng và địa phương triển khai thực hiện.

Qua thực hiện đề án đã giúp nâng cao nhận thức, tính trách nhiệm và minh bạch của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền, cơ quan chức năng các cấp; Giảm sự độc quyền của bộ máy hành chính Nhà nước, giảm tính độc đoán của người ra quyết định; Tăng trách nhiệm giải trình của nhà quản lý, tăng mức độ minh bạch của quy trình quản lý; Tạo sự đồng thuận cao giữa Nhà nước - chủ đầu tư và nhân dân trong việc triển khai dự án tại địa phương, đảm bảo các dự án triển khai đúng tiến độ, góp phần hạn chế KNTC phát sinh…

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái làm việc với Thanh tra tỉnh Long An. Ảnh: CT

 

Ngoài ra, đề án cũng giúp nâng cao nhận thức về pháp luật của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân giám sát phòng chống nhũng nhiễu tiêu cực và để người dân có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình…

Chia sẻ về phương hướng công tác trong thời gian tới, quyền Chánh Thanh tra tỉnh Phạm Văn Đô cho biết, Thanh tra tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra; kiên quyết xử lý nghiêm, đúng quy định các sai phạm phát hiện qua thanh tra, nhất là các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng...

Ngoài ra, tiếp tục triển khai, quán triệt và thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về KNTC; tiếp tục phát huy công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp làm tốt công tác dân vận trong việc tham gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tái định cư, thực hiện tốt chương trình phối hợp về giám sát, nâng cao hiệu quả giải quyết KNTC ở cơ sở…

Đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc KNTC, không để phát sinh thành điểm nóng, công dân tập trung khiếu kiện tại các cơ quan Trung ương...

Chu Tuấn