Theo tinh thần chỉ đạo chung là các bộ, ngành, địa phương cần chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật; khắc phục tình trạng nể nang, xử lý không nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiếp tục tăng cường nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung thanh tra chuyên đề quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm khẳng định 3 lĩnh vực được thanh tra có nội dung lớn, phức tạp, liên quan đến chuyên môn sâu của ngành Y tế. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã thành lập tổ công tác với các thành viên có chuyên môn cao, có hiểu biết về y tế để hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ thanh tra các địa phương để triển khai thanh tra đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng tiến độ với kết quả cao nhất. Đây là các nội dung được dư luận nhân dân quan tâm, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi.

Đại diện Thanh tra 19 tỉnh, thành phía Nam tham dự Hội nghị tập huấn ngày 22/10/2019. Ảnh: GT

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, để bảo đảm chất lượng công tác thanh tra, sau các buổi tập huấn thì Chánh Thanh tra các địa phương phải chủ động tiến hành thanh tra theo kế hoạch đã được Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, có biện pháp giám sát hoạt động thanh tra đúng quy định, hạn chế dư luận không hay trong qua trình thanh tra vì y tế là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến sức khỏe của nhân dân. 

Tinh thần chung là Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển về các địa phương những đơn thư, phản ánh về dấu hiệu sai phạm trong y tế để các địa phương thanh tra, xử lý theo thẩm quyền. 

Trong trường hợp các địa phương gặp khó khăn, không thể kết luận, không xử lý được vì vướng mắc liên quan đến các quyết định của lãnh đạo địa phương trong y tế, thì Thanh tra Chính phủ sẽ trực tiếp kiểm tra, kiến nghị xử lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Kết quả đánh giá của Thanh tra Chính phủ đối với lĩnh vực y tế cho thấy, chính sách, quy định pháp luật có liên quan đến nội dung thanh tra còn nhiều bất cập, hạn chế. Vì vậy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm yêu cầu hoạt động thanh tra và kết luận thanh tra phải làm rõ các tồn tại, bất cập này do nguyên nhân khách quan hay chủ quan để làm cơ sở xử lý đối với những vi phạm và kiến nghị cấp có thẩm quyền hủy bỏ, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm bịt kín kẽ hở, không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra Chính phủ đã tổ chức 3 Hội nghị tập huấn để bảo đảm chất lượng, tiến độ của hoạt động thanh tra diện rộng ngành Y tế. Ảnh: GT

Với tinh thần công tâm, khách quan, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đề nghị chánh thanh tra 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam thực hiện đúng nội dung, phạm vi, đối tượng, phương pháp, thời kỳ thanh tra theo đề cương hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm trước Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương về tính chính xác của kết quả thanh tra dự kiến sẽ hoàn thành trong quý I/2020. 

Trong quá trình thanh tra cần bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo, phối hợp với tổ công tác của Thanh tra Chính phủ nhằm xử lý các vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra, vướng mắc phát sinh.

Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ cần chủ động nắm thông tin, tình hình triển khai hoạt động thanh tra của các cơ quan thanh tra, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp kết quả thanh tra diện rộng được phê duyệt. 

Ngoài ra, tổ công tác của Thanh tra Chính phủ phải trực tiếp kiểm tra việc tuân thủ theo đề cương hướng dẫn và chỉ đạo chánh thanh tra, hoạt động đoàn thanh tra, cũng như kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung liên quan, nội dung có dấu hiệu vi phạm tại một số cơ sở y tế, tổ chức cá nhân có liên quan theo đúng tinh thần chỉ đạo về thanh tra chuyên đề diện rộng sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh.

Giáng Thăng – Đinh Mười