Từ thợ nhà in

Trong câu chuyện với chúng tôi một ngày cuối Thu, những hồi ức, kỷ niệm cùng với vô vàn những gian khổ, hiểm nguy, những câu chuyện lịch sử, những đồng đội đã cùng ông trải qua kể từ ngày ông dấn thân theo cách mạng được hé mở. “Thời gian đã qua lâu, nhưng tôi luôn có cảm giác mọi việc như chỉ mới diễn ra ngày hôm qua thôi. Những cảm xúc ấy, rất khó để nói rõ thành lời”, ông chia sẻ.

Rời quê hương Yên Phong (Bắc Ninh) ra đất Hà Thành từ rất sớm, ông Nguyễn Văn Trân được người anh họ giới thiệu với chủ Nhà in Thực nghiệp rồi làm đủ việc để kiếm sống.

Năm 1936, phong trào Đông Dương Đại hội như luồng gió mới thổi vào đời sống ngột ngạt của nhân dân Hà Nội. Một tuần một lần, anh em thợ in đến Nhà in Lê Văn Tân nghe ông Trần Huy Liệu diễn thuyết về quyền tự do dân chủ, lập ái hữu của thợ thuyền… Lần đầu tiên người thợ in Nguyễn Văn Trân được biết đến Liên bang Xô Viết qua phóng sự của ông Trần Đình Long; truyền tay nhau đọc các sách lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin… “Ánh sáng” đó đã soi rọi vào nhận thức, tư tưởng tình cảm của đời thợ như một cứu cánh để thoát khỏi đói nghèo và gông xiềng nô lệ. Ông hăng hái tham gia hoạt động ái hữu và sớm được kết nạp vào  Đảng  năm 1936; trở thành cán bộ cốt cán của Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Năm 1939, Chính phủ Mặt trận Bình dân đổ, chính quyền thực dân Pháp tiến hành khủng bố thuộc địa, ông cùng các đồng chí của mình rút vào hoạt động bí mật. Vì đã từng làm nghề in, ông được tổ chức đưa ra ngoại thành bí mật in Báo "Cờ giải phóng" để tuyên truyền chống Pháp. Không may, một thời gian sau đó, cơ sở in ấn này bị lộ, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam, đưa ra tòa xét xử bản án 10 năm khổ sai đày đi Sơn La.

“Năm 1941, khi đang ở trong nhà tù Sơn La, tôi và các bạn tù rất mừng khi nghe tin lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước triệu tập cuộc họp Trung ương Đảng tại Pắc Pó (Cao Bằng), thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), giương cao ngọn cờ cứu nước giải phóng dân tộc. Mặc dù bị địch khủng bố gắt gao nhưng Mặt trận Việt Minh vẫn phát triển nhanh chóng. Năm 1943, tôi vượt ngục về Hà Nội và được giao làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ” - ông Nguyễn Văn Trân nhớ lại.

Con đường đến với cách mạng từ đời thợ in trở thành người đảng viên cộng sản và phẩm chất ham học hỏi dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất thành phố được hình thành...

Một đời chính khách

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt. Lúc này, cụ Bùi Bằng Đoàn và cụ Cù Huy Cận được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh vào Ban Thanh tra Đặc biệt với những trọng trách to lớn. Có thể nói, Ban Thanh tra Đặc biệt ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của Cách mạng Việt Nam, được Chính phủ trao cho những quyền hạn rất lớn và nặng nề, không chỉ là một công cụ thường xuyên của chính quyền dân chủ nhân dân mà còn có nhiệm vụ quan trọng góp phần làm yên lòng dân đặng tập hợp, đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh của toàn thể dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và giải phóng Tổ quốc.

Năm 1951, ông lên Ban Thanh tra Chính phủ làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cụ Hồ Tùng Mậu là Tổng Thanh tra Chính phủ. Cùng chức danh với ông ở Ban Thanh tra còn có đồng chí Tô Quang Đẩu. Nhiệm vụ của Ban Thanh tra lúc bấy giờ là tuyên truyền phổ biến các chính sách của Chính phủ để động viên nhân dân hăng hái thi đua sản xuất, đóng góp cho bộ đội kháng chiến; xem xét những sai sót của cơ quan và cán bộ thi hành các chính sách, đúng thì khen thưởng, thiếu sót thì phê bình kỷ luật, trên tinh thần “trị bệnh cứu người”.

“Tháng 7/1951, cụ Hồ Tùng Mậu hy sinh trên đường đi công tác, tôi được giao nhiệm vụ thay cụ làm Tổng Thanh tra Chính phủ” - ông nhớ lại.

Giữa năm 1953, sau khi quân ta đánh thắng các chiến dịch Tây Bắc và Thượng Lào, quân địch co cụm lại ở Điện Biên Phủ, Chính phủ quyết định mở chiến dịch quyết chiến, quyết thắng. Để chắc giành thắng lợi, Chính phủ quyết định huy động toàn lực quân, dân và thành lập Hội đồng Cung cấp Trung ương do Phó Chủ tịch Chính phủ Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Trân làm Phó Chủ tịch Thường trực.

Trong thời gian làm công tác thanh tra, cũng như ở những cương vị khác, ông đã đi sâu, đi sát đời sống của dân, tìm lời giải đáp từ thực tiễn và tự nghiên cứu viết tổng kết đề xuất những phương thức và biện pháp rất logic, sáng tạo… Trong những tháng ngày tận tâm, tận lực cùng các đồng chí, đồng đội, dù ở bất cứ cương vị nào, ông cũng có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, hòa bình của đất nước. "Thời gian làm công tác trong ngành Thanh tra ngắn, nhưng đó là thời gian khá đặc biệt đối với tôi. Cho đến tận giờ tôi vẫn còn nhớ như in lời dạy của Bác Hồ: "Thanh tra trị bệnh cứu người, chứ không chỉ lo bắt tội ai"" - nguyên Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Trân chia sẻ.

Cùng tiếp chúng tôi với ông là bà Phạm Thị Bắc - người vợ đã sát cánh cùng ông cả cuộc đời. Bà Bắc cho biết, gần 100 tuổi rồi, nhưng ông không ngừng nghỉ tìm tòi, nghiên cứu. Hàng ngày ông vẫn đọc sách báo, theo dõi tin tức trên báo chí để biết sự đổi mới của đất nước. Ông vẫn minh mẫn để trả lời những bài phỏng vấn của báo chí. Ông vẫn hăng hái đi dự các cuộc họp của Quốc hội, của Trung ương, của Bộ Chính trị khi được mời.

Như để minh chứng, bà chỉ vào tấm thẻ khách mời của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thứ XIII, ông đang đeo trên ngực áo; kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ông vẫn đến dự hàng ngày. Khi Quốc hội họp tổ, ông mới không đến, những vấn đề cần, ông vẫn quan tâm đóng góp ý kiến.

Cũng theo bà Bắc, đến nay, dù tuổi cao, sức yếu, ông vẫn đi khắp nơi và nhắc nhở những người thân trong gia đình quan tâm đến việc làm từ thiện, gửi tiền ủng hộ bà con nghèo có khó khăn, đến những anh em công nhân bị tai nạn, tới những học sinh nghèo hiếu học… mà báo chí nêu. Ông cũng không quên nhắc nhở con cháu luôn ghi nhớ đã có bao chiến sỹ đã hy sinh xương máu của mình để chúng ta có cuộc sống tươi đẹp hôm nay. Hãy sống bình thường, giản dị, hòa mình vào cuộc sống của mọi người. Nghĩ và làm những công việc chung có lợi cho đất đất và sống đừng để ai chê trách.

"Những gì tôi muốn gửi gắm lại thế hệ trẻ hôm nay không ngoài những điều mà Bác đã dạy, ai ai cũng phải theo để tự sửa mình làm cho khối Đại đoàn kết toàn dân được mở rộng và vững chắc để phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân, làm cho Đảng vững mạnh và trong sạch thì đổi mới và hội nhập mới thực sự có hiệu quả, đem đời sống yên vui, dân chủ thực sự cho toàn dân. Song, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là con người, nên mỗi cán bộ dù ở cương vị nào, cố gắng đừng nói suông, chỉ nói mà không làm theo lời Bác", ông chia sẻ.

Trước khi chia tay chúng tôi, người cán bộ lão thành cách mạng ấy còn ký tặng Báo Thanh tra cuốn hồi ký ông mới viết về cuộc đời làm cách mạng của mình và không quên lời dặn đối với đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra…

Sinh năm 1916, ông Nguyễn Văn Trân từng giữ chức Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội, Tổng Thanh tra Chính phủ rồi Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện.

“Trải qua thời gian dài, ngành Thanh tra đã giúp Đảng, Chính phủ làm được nhiều việc. Với kinh nghiệm làm công tác thanh tra củ

a mình, tôi tin, trong những năm tới ngành Thanh tra sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động tốt giúp Đảng, Nhà nước và Chính phủ xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn. Chúc toàn thể cán bộ ngành Thanh tra phát huy thành tích và ưu điểm của những năm trước tiếp tục làm được nhiều việc to lớn giúp Đảng, Nhà nước sánh vai cùng thế giới” - nguyên Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Trân.


Phương Hiếu - Thúy Nhài