Hôm qua (3/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.

“Tôi nghĩ rằng, chắc chắn sẽ sớm có kết luận về việc tăng giá điện như thế nào, liệu có thực hiện đúng chưa và có thực hiện đúng quy định của Chính phủ, Thủ tướng chưa”, Thứ trưởng Bộ Công thương bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với hai Bộ và đầu tuần tới sẽ triển khai thực hiện.

“Tinh thần chung là chúng tôi sẽ kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm làm sao kết luận một cách chính xác, khách quan, làm rõ đúng, sai trong quyết định tăng giá điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện. Sau khi có kết luận, chúng tôi sẽ công khai theo đúng quy định của pháp luật”, Phó Tổng Thanh tra khẳng định.

Nếu ngành Điện có lỗi thì phải xin lỗi

Trả lời câu hỏi về việc tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 8,36%, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, quyết định này được Bộ đưa ra trên cơ sở quy định hiện hành, đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), điều kiện thực tiễn và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng, rất nhiều hộ tiêu dùng phản ánh bất ngờ khi nhận hoá đơn tiền điện tháng 4 tăng đột biến so với tháng 3.

“Chúng tôi rất chia sẻ với những suy nghĩ, kể cả đây là bức xúc của người tiêu dùng khi nhận hóa đơn tiền điện cao hơn, bỏ ra khoản tiền lớn hơn trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, ông Đỗ Thắng Hải nói.

Chính vì vậy, Bộ Công thương với chức năng quản lý Nhà nước đã yêu cầu  EVN phải tiếp nhận xử lý, giải đáp đầy đủ các ý kiến khiếu nại, thắc mắc của khách hàng liên quan đến tiền điện trong tháng 4. “Nếu phát hiện có lỗi của ngành Điện thì phải xin lỗi và xử lý nghiêm khắc các sai phạm đó”.

EVN còn được yêu cầu phải tiếp tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để khách hàng, người dân hiểu cách thức tính giá điện mới, nguyên nhân tăng hóa đơn tiền điện…; tiếp tục hoàn thiện cải tiến làm các dịch vụ, đặc biệt là trong tháng nắng nóng để làm sao phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng tốt hơn.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

Ông Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, ngày 2/5, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ra quyết định thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình thực hiện về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện nhằm bảo đảm việc điều chỉnh giá điện theo đúng tinh thần Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019.

Trước đó, giải thích về hoá đơn tiền điện tháng 4 tăng đột biến so với tháng 3, ngành Điện đưa ra 3 nguyên nhân từ yếu tố thời tiết nắng nóng, sản lượng dùng điện các hộ tăng; số ngày sử dụng điện tháng 4 nhiều hơn 3 ngày so với tháng 3 làm điện năng sử dụng tăng thêm  và một phần do tăng giá bán lẻ điện.

Giá điện tăng, vẫn bảo đảm CPI dưới 4%

Vậy lãnh đạo Bộ Công thương có đánh giá tác động việc tăng giá điện hay không? Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định, trước khi tăng giá điện, rất nhiều bộ, ngành, mà đầu tiên là Bộ Công thương đã phải đánh giá tác động để trình lên Chính phủ, kể cả việc khi tăng giá điện có ảnh hưởng đến các mặt hàng khác như thế nào, ảnh hưởng đến CPI ra sao, thậm chí cả GDP…

Theo ông Hải, việc đánh giá tác động này đều được tất cả các cơ quan có thẩm định trong đó có Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và nhiều cơ quan có liên quan.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương đánh giá gián tiếp của việc tăng giá điện.

“Nghĩa là, dù trước đó đã có báo cáo đánh giá thì sau khi tăng giá điện hiện nay thực tế như thế nào phải báo cáo lại các cấp có thẩm quyền mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ”, ông Hải giải thích.

Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết thêm, sáng nay (4/5), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã họp với các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Công thương, Tài chính, Tư pháp… Tại cuộc họp này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định, chúng ta vẫn bảo đảm CPI tháng 4, và sẽ bảo đảm được CPI mà Chính phủ đã trình lên Quốc hội năm 2019 là dưới 4%, thậm chí có thể đạt 3,3-3,9%.

Phương án chỉ "mật" khi chưa công bố

Trước câu hỏi về căn cứ nào Bộ Công Thương muốn đưa thông tin phương án điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện chưa công bố vào diện "mật", theo ông Hải, đây là các phương án giá để tính toán, trình cấp có thẩm quyền trước khi công bố chính thức.

Thứ trưởng Công thương lưu ý, biến động giá xăng dầu và giá điện đều ảnh hưởng tới đời sống người dân, điều hành kinh tế vĩ mô, tác động không nhỏ tới lạm phát. Hơn nữa, theo quy định hiện hành, giá cả một số mặt hàng trọng yếu chưa công bố được phép đóng dấu “mật”.

"Khi chưa công bố là mật, còn sau khi công bố thì giá điện, giá xăng dầu là công khai", ông Hải khẳng định.

Hương Giang