Từng bước tạo dựng uy tín

Ra đời vào tháng 10/1978, thời gian đầu, Tạp chí Thanh tra phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng của các thế hệ công chức, viên chức người lao động, suốt 40 năm qua, Tạp chí đã thực hiện tốt chức năng là một cơ quan nghiên cứu lý luận, tuyên truyền của ngành Thanh tra.

Trong những năm đầu thành lập (1979 - 1981), do còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật tư, nguyên liệu, Tạp chí duy trì xuất bản 2 tháng 1 kỳ với 50 trang. Ngay từ những số đầu tiên, Tạp chí đã thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của mình với những bài viết quan trọng của lãnh đạo ngành, địa phương, tập trung hướng dẫn và chỉ đạo thống nhất các hoạt động của toàn ngành và lực lượng thanh tra.

Bước sang giai đoạn mới, để đáp ứng nhu cầu thông tin rộng rãi tới bạn đọc, số lượng xuất bản ấn phẩm Tạp chí Thanh tra cũng tăng dần. Nếu như thời gian đầu mới thành lập do còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nguyên liệu, con người, Tạp chí Thanh tra chỉ mới xuất bản 2 tháng 1 số với số lượng hạn chế thì chỉ một thời gian ngắn sau đó đã xuất bản 1 tháng 1 số với số lượng tăng dần. Hiện nay, Tạp chí Thanh tra tăng số lượng phát hành lên 1.100 - 1.300 cuốn/tháng, số trang từ 42 lên 48 trang, đồng thời thay đổi chất lượng giấy in, cải tiến về hình thức.

 

Không khí một cuộc họp phòng. Ảnh: BA

 

Ngoài ấn phẩm truyền thống, Tạp chí còn xuất bản các số chuyên đề và số đặc biệt phục vụ kịp thời cho công tác tuyên truyền trong các sự kiện có ý nghĩa đặc biệt của ngành.

Bên cạnh đó, nhiều đầu sách, tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuyên truyền về công tác của ngành mà Tạp chí Thanh tra chủ trì, phối hợp cùng các cục, vụ, đơn vị trong và ngoài ngành biên soạn, xuất bản đã nhận được sự quan tâm của độc giả, giúp độc giả hiểu hơn về truyền thống, quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Thanh tra Việt Nam.

Đáng chú ý, sự ra đời của Tạp chí Điện tử Thanh tra thay thế trang điện tử ThanhtraVietNam.vn đã cho thấy sự chuyển mình của Tạp chí Thanh tra khi bắt kịp với xu thế chung của báo chí Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Tạp chí Điện tử Thanh tra ngày càng được đông đảo bạn đọc trên cả nước đón nhận, ủng hộ, nhất là các cán bộ làm công tác thanh tra. Theo thống kê, năm 2017, tổng số tin, bài đăng tải trên Tạp chí Điện tử Thanh tra đạt hơn 3.000 tin/bài, trong đó có hơn 600 tin/bài trong ngành. Đặc biệt, Tạp chí Điện tử Thanh tra đã tăng cường nhiều hơn các bài viết về hoạt động của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, Tạp chí vẫn luôn đăng tải những bài viết nghiên cứu, trao đổi về nghiệp vụ thanh tra, giải quyết đơn thư, khiếu tố của các cán bộ trong ngành. Nhiều bài viết trên Tạp chí đã đi sâu phản ánh, phân tích những vụ việc tiêu cực được đông đảo bạn đọc và các cơ quan quan tâm; góp phần tạo ra hiệu quả tuyên truyền tốt trong công luận và xã hội, vừa góp phần đấu tranh, phê phán trực diện với các hành vi vi phạm, tiêu cực, đồng thời từng bước tạo dựng uy tín của Tạp chí Thanh tra trong làng báo chí cách mạng Việt Nam.

Nguyên Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu từng ghi nhận: "Với những nỗ lực, cố gắng trong suốt thời gian qua, Tạp chí Thanh tra đã dần trở thành địa chỉ tin cậy không những của ngành Thanh tra, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nói chung mà còn là kênh thông tin quan trọng để các cơ quan báo chí, truyền thông khác khai thác, chuyển tải thông tin liên quan đến hoạt động của ngành Thanh tra".

Nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú

Với sự tích lũy kinh nghiệm trong công tác biên tập, xuất bản, nội dung các chuyên mục của Tạp chí Thanh tra được thay đổi dần qua các thời kỳ để phù hợp với thực tiễn, phục vụ đắc lực cho công tác thông tin, tuyên truyền của ngành Thanh tra. Từ 4 chuyên mục đầu tiên là: Hướng dẫn công tác và nghiên cứu; trao đổi kinh nghiệm; tìm hiểu chính sách pháp luật; thông tin trong ngành, qua các thời kỳ, Tạp chí Thanh tra đã phát triển thêm nhiều chuyên mục, thể loại như: Xã luận; thảo luận, tham khảo kinh nghiệm các nước anh em; diễn đàn thanh tra. Hiện nay, Tạp chí Thanh tra có các chuyên mục: Chính luận, nghiên cứu - trao đổi, văn hóa - xã hội, tìm hiểu & giải đáp pháp luật, kinh nghiệm nước ngoài.

Đây thực sự là những chuyên mục cần thiết, hợp lý vì vừa phản ánh được tình hình thời sự mang tính chính trị của đất nước, của ngành Thanh tra. Đồng thời, vẫn mang tính chất lý luận, nghiên cứu, trao đổi về nghiệp vụ chuyên ngành và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành Thanh tra.

Theo nhà văn Ma Văn Kháng, thanh tra là lãnh địa đặc thù, mà cũng là cuộc sống thường ngày. Tạp chí như một cánh đồng tri thức rộng mênh mang. Ở đó các chuyên mục như chính luận, nghiên cứu - trao đổi, văn hóa - xã hội, kinh nghiệm nước ngoài, tìm hiểu và giải đáp pháp luật... như những thửa ruộng chuyên canh một loại cây lương thực để nuôi dưỡng con người hoàn thiện về trí tuệ và nhân cách.

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, Tạp chí Thanh tra còn để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong công tác nghiên cứu khoa học, chi hội nhà báo và đặc biệt là các chương trình thiện nguyện mang nhiều ý nghĩa xã hội. Chỉ trong vòng 6 năm, Tạp chí đã tổ chức 5 chương trình "Thanh tra Việt Nam với các hoạt động vì cộng đồng", trong đó tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người nghèo, xe đạp cho các em học sinh giỏi tại một số tỉnh phía Nam và phía Bắc...

 

Tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Tạp chí Thanh tra. Ảnh: BA

 

Với những nỗ lực bền bỉ không ngừng, trong 40 năm qua, Tạp chí Thanh tra vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2008), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2012), Cờ Thi đua của Thanh tra Chính phủ (năm 2004, 2005, 2010, 2015, 2017) cùng nhiều phần thưởng khác.

“Đó chính là sự động viên, khích lệ tinh thần to lớn đối với các thế hệ cán bộ, viên chức Tạp chí Thanh tra. Đồng thời, đây cũng là minh chứng hùng hồn, sống động cho quá trình đổi mới và phát triển liên tục của Tạp chí Thanh tra”, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra Dương Quốc Huy nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tạp chí Thanh tra cũng gặp một số khó khăn nhất định, như: Ban đầu cơ cấu tổ chức của Tạp chí chưa rõ ràng, lực lượng phóng viên, cộng tác viên còn mỏng dẫn đến những khó khăn trong việc khai thác sản xuất tin, bài. Đặc biệt, về công tác tài chính, công tác truyền thông, quảng cáo của Tạp chí gặp nhiều bất lợi. Nhiều doanh nghiệp là đối tác thông tin tuyên truyền của Tạp chí bị phá sản, ngừng hoạt động nên vấn đề tài chính của đơn vị bị ảnh hưởng lớn, công tác thu hồi công nợ gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, Tạp chí Thanh tra liên tục phải chuyển trụ sở nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng, công việc của cán bộ, viên chức, người lao động, nhất là sự xuống cấp của cơ sở vật chất trang thiết bị do bị di chuyển, tháo lắp liên tục.

Nhờ có sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo, sự phối hợp của các cục vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, cùng sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động đơn vị nên khó khăn, vướng mắc đã dần được khắc phục.

Nhìn lại chặng đường 40 năm đã đi qua, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí luôn tự hào về sự phát triển không ngừng. 40 năm với nhiều số Tạp chí và nhiều ấn phẩm đã được xuất bản cùng với đó là sự tin cậy, yêu mến của độc giả trên mọi miền đất nước dành cho Tạp chí.

Để tiếp tục phục vụ tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của ngành và nhu cầu của độc giả, Tạp chí Thanh tra cần phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để khắc phục mọi khó khăn, tồn tại, hạn chế và đề ra phương hướng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao, cũng như sự tín cậy, mong đợi của bạn đọc trên mọi miền đất nước.

Bảo Anh