Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, ngành, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước… Song song với đó, là hoàn thiện thể chế, rà soát, cắt giảm nhiều quy định, thủ tục hành chính không hợp lý, gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh…

“Những kết quả tích cực trên còn được nhìn nhận, đánh giá bởi các tổ chức quốc tế. Trước đây, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá, tình hình tham nhũng của Việt Nam là nghiêm trọng và không có tiến triển tích cực trong 4 năm từ năm 2012-2015 với mức điểm 31/100 điểm. Nhưng sang năm 2016, năm 2017, điểm số này đã được cải thiện và mức tăng dần đều. Năm 2016 là 33/100 điểm, năm 2017 là 35/100 điểm. Đây là bằng chứng khách quan cho thấy, hiệu quả công tác PCTN của Việt Nam đang được cải thiện đáng kể và đúng thực chất”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lê Minh Khái, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết điều tra, phát hiện xử lý nghiêm các vụ án kinh tế nghiêm trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra thì tiếp tục được tăng cường, tập trung vào những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Để tiến tới đẩy lùi tham nhũng, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nhiều giải pháp. Đầu tiên, là tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Tổng Bí thư, coi công tác PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, cần có quyết tâm chính trị cao.

Cùng với đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn băn quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; hoàn thiện Dự án Luật PCTN sửa đổi; tổng kết, sửa đổi Luật Thanh tra; đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ…

Giải pháp nữa, là hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ; nghiên cứu, bổ sung quy định về xử lý nghiêm đối với cán bộ công chức, viên chức có vi phạm kể cả người đã thôi việc, nghỉ hưu; thực hiện đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu đảm bảo công khai, minh bạch.

“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, loại khỏi bộ máy những cán bộ công chức, viên chức thoái hóa, biến chất; thực hiện nghiêm phòng, chống tội phạm trong các cơ quan phòng chống tội phạm; kiên quyết không có vùng cấm trong xử lý các hành vi tham nhũng”, Tổng Thanh tra cho hay.

Đi cùng với đó, là giải pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật PCTN; tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, có nhiều dư luận về tham nhũng, kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhất là những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi chỉ đạo…

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nhấn mạnh thêm, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác PCTN, Thanh tra Chính phủ sẽ tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phù hợp, cần thiết, triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Giang Hương