6 tháng đầu năm 2015, Tổng cục đã triển khai 2 Đoàn kiểm tra thi hành Luật Đất đai 2013 tại 2 tỉnh Tuyên Quang và Cao Bằng. Hiện, Tổng cục đã hoàn thiện Công văn chỉ đạo UBND tỉnh Tuyên Quang về việc kiểm tra thi hành Luật Đất đai.

Đồng thời, Tổng cục đã tổng hợp và xây dựng báo cáo đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách pháp luật đất đai đến kinh tế - xã hội và môi trường của cả nước; rà soát, tổng hợp và gửi đăng lên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Trang thông tin điện tử của Tổng cục các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai do các địa phương gửi báo cáo với 14 trường hợp, gồm: Bình Thuận 12 trường hợp; Nghệ An 2 trường hợp và các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai trong kết luận thanh tra tại các tỉnh Nghệ An, Lào Cai, Quảng Nam và TP Hà Nội.

Ngoài ra, Tổng cục còn tổ chức kiểm tra, làm rõ một số vụ việc nổi cộm báo chí đã phản ánh, như vụ việc ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; vụ việc ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; vụ việc ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang... để đề xuất báo cáo Bộ ban hành văn bản chỉ đạo, xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Về thanh tra đất đai, Tổng cục đã hoàn thiện, ban hành kế hoạch thanh tra năm 2016 của Tổng cục và tổ chức thực hiện theo kế hoạch xong các nội dung thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường tại 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Nông.

Bên cạnh đó, Tổng cục đã tăng cường công tác tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về những hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng đất thông qua đường dây nóng của Tổng cục. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã tiếp nhận 1.300 thông tin phản ánh tình hình sai phạm về đất đai, trong đó, thông tin phản ánh tập trung chủ yếu vào tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chỉ tính riêng từ sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 22/4/2016 đến ngày 30/6/2016, Tổng cục đã tiếp nhận 1.150 thông tin phản ánh.

Đối với những thông tin phản ánh rõ sai phạm và có địa chỉ rõ ràng, Tổng cục đã kịp thời ban hành công văn chỉ đạo các địa phương kiểm tra, giải quyết, đồng thời, cử cán bộ trực tiếp đi địa phương để kiểm tra xác minh, làm rõ một số vụ việc cụ thể như tại Hải Dương và Hà Nội. 

Ngoài ra, Tổng cục đã tham mưu trình Bộ ban hành Công văn số 1415 ngày 21/4/2016 yêu cầu các địa phương thiết lập và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và tình trạng nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận ở địa phương. Tính đến nay, cả nước đã có 48 địa phương đã thiết lập và công bố đường dây nóng.

Tuy vậy, dù đã được tăng cường, song vấn đề khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều, các vi phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất tại các dự án còn chưa được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời...

Nguyên nhân chủ yếu là do đất đai là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân; chính sách về đất đai có nhiều đổi mới qua từng thời kỳ, một số quy định chưa thật sự đồng bộ với pháp luật khác có liên quan; công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật về đất đai còn hạn chế. Ngoài ra, nguồn lực dành cho công tác thanh tra chuyên ngành về đất đai còn mỏng, kinh phí chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng dẫn đến công tác thanh tra, kiểm tra chưa thật sự hiệu quả.

Để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được duyệt. Tăng cường công tác tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng các vi phạm về lĩnh vực đất đai; nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin mà báo chí và dư luận quan tâm. Tiếp tục tổ chức triển khai các Tổ công tác để xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận theo chỉ đạo của Bộ trưởng.

TH