UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh ban hành trong thời gian qua về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; đảm bảo các lễ hội trên địa bàn diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, có ý nghĩa thiết thực.

Các địa phương có trách nhiệm tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về lễ hội đối với UBND cấp huyện, đồng thời có cơ chế phối hợp giữa UBND cấp huyện, xã, Ban Tổ chức lễ hội và các cơ quan có liên quan, đảm bảo các lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.

Việc tổ chức cấp phép và tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân. Các nghi lễ phải trang nghiêm, không chấp thuận tổ chức lễ hội thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm.

Các địa phương không để tình trạng ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội. Kết hợp việc tổ chức lễ hội với Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích, Lễ khánh thành tu bổ, tôn tạo di tích để thực hiện tiết kiệm và nâng cao hiệu quả tuyên truyền sâu rộng giá trị của di sản văn hóa trong các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương.

Chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội tuyên truyền cho khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không mua bán, đốt pháo, đốt và thả đèn trời; không thực hiện các hoạt động mê tín, dị đoan, các hình thức cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ an toàn cho di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và nhân dân tham gia lễ hội; hướng dẫn thắp hương, đốt vàng mã, đặt hòm công đức trong di tích đúng nơi quy định, bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không tự ý đưa hiện vật không có trong hồ sơ xếp hạng vào di tích, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa.

Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công, hoặc thuê khoán phương tiện tham gia lễ hội, trừ các trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội.

Hoàng Long