Trong sáng ngày 6/12, tại Hội nghị Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 10 diễn ra Phiên họp cấp cao về định hướng công tác phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu  vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thiếu minh bạch trong việc công bố danh mục dự án

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết: Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nhu cầu đầu tư cho hạ tầng là rất lớn. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư không đáp ứng nhu cầu thực tế, để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư hạ tầng.

Ngay từ năm 1992, Chính phủ Việt Nam đã cho áp dụng thí điểm hình thức đầu tư BOT với mục tiêu huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển.

Kể từ khi cho áp dụng hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) dưới hình thức đầu tư BOT đến nay, trải qua thời kỳ thay đổi về các chính sách đến nay khung pháp lý PPP đã đầy đủ và đồng bộ và khái niệm PPP được hiểu một cách thống nhất, được luật hóa trong nhiều lĩnh vực khác nhau (Luật Đấu thầu 2013, Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư công 2014, Luật Đầu tư 2014, Luật Xây dựng 2014, Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017…).

Cùng với Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 về lựa chọn nhà đầu tư, quy định pháp luật về PPP ở cấp độ Nghị định đã đầy đủ và nhất quán, làm cơ sở thu hút và triển khai các dự án PPP.

Đặc biệt, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 về PPP với một số nội dung quy định mới để khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế, các rào cản ở cấp Nghị định, trong đó có một số điểm nổi bật như: Quy định rõ về quy trình, thủ tục thực hiện dự án PPP nói chung và có quy trình riêng đối với dự án sử dụng công nghệ cao; quy định quy trình chặt chẽ đối với dự án BT; bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án PPP. 

Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung khá nhiều quy định về lĩnh vực đầu tư, hợp đồng dự án, tăng cường việc phân cấp, yêu cầu về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, yêu cầu về thời điểm chuyển nhượng dự án, yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng về tác động của dự án…

“Từ khi Chính phủ Việt Nam cho áp dụng thí điểm hình thức đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đến nay, nền kinh tế đã huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia, hầu như chỉ tập trung vào lĩnh vực giao thông”, ông Thắng nói.

Các dự án PPP đòi hỏi nguồn vốn lớn, có thời gian xây dựng, vận hành tương đối dài 15-25 năm  với nhiều yếu tố ảnh hưởng không thể lượng hóa hết. Do vậy, đòi hỏi khả năng quản trị rủi ro cao của cả cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư.

Viêc lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư nhằm mục đích kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu thầu để thực hiện các dự án phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ.

”Tuy nhiên, hầu hết các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh (đơn vị được luật pháp quy định phải lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư) lại không thực hiện hoặc có thực hiện lập nhưng không được công bố rộng rãi, bên cạnh đó luật pháp lại cho phép nhà đầu tư được đề xuất dự án”, ông Thắng nhận xét

Mặt khác, không công bố danh mục kêu gọi đầu tư nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm năng tham gia thực hiện, chỉ có nhà đầu tư thân thiết mới được biết để tham gia thiếu công khai minh bạch.

Các dự án thực hiện thu phí hở tạo điều kiện để nhà đầu tư gian lận

Theo kết quả kiểm tra hơn 40 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT, BOO của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại một số địa phương, thì chỉ có 1 dự án thực hiện đấu thầu.

Mặt khác, tại Nghị định 78/2007, các dự án do nhà đầu tư tự lập thiết kế kỹ thuật, tổng mức đầu tư và tự phê duyệt đã tạo rủi ro không nhỏ để nhà đầu tư đẩy giá trị công trình lên cao hơn thực tế từ 20-75%.

Nghị định 108/2009 đã hủy bỏ nội dung này, ngoài ra còn bổ sung nội dung bố trí ngân sách để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện lập thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán cho dự án đầu tư. Tuy nhiên, do thiếu ngân sách, nên các cơ quan không thực hiện được việc lập thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán để kêu gọi đầu tư, việc này vẫn trông đợi vào các nhà đầu tư.

“Nghị định 15/2015 và Nghị định 63/2018 đã điều chỉnh bổ sung, quy định nguồn ngân sách để lập thiết kế kỹ thuật tổng dự toán sẽ được ghi vào trung hạn. Với quy định này, các cơ quan nhà nước đã có nguồn để thực hiện lập thiết kế kỹ thuật tổng dự toán để giảm thiểu rủi ro nhà đầu tư nâng cao giá trị công trình”, ông Thắng thông tin

Ngoài ra, do đặc thù của Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi, các nhà đầu tư PPP của Việt Nam thực chất là các nhà thầu, năng lực quản lý hạn chế, nguồn lực tài chính yếu kém, nguồn tài chính thực hiện dự án phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại nên sẽ phát sinh những rủi ro.

Theo đó, mặc dù chỉ được các ngân hàng cho vay theo hạn mức từ 80-85% giá trị công trình, nhưng do đẩy giá trị công trình cao hơn thực tế từ 20-75% nên nhà đầu tư vẫn có thể đủ và thừa vốn đầu tư cho dự án thậm chí còn hưởng lãi ngay từ khi xây dựng từ các nhà thầu phụ.

Ngân hàng ngừng cấp tín dụng dự án bị thất bại, nhà đầu tư không có vốn, đã đẩy toàn bộ rủi ro cho ngân hàng và có thể gây hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế nếu hàng loạt các dự án thất bại.

Những hạn chế, rủi ro này đã được phân tích và điều chỉnh tại các Nghị định 15/2015 và Nghị định 63/2018. Tại các Nghị định này đã tăng vốn chủ sở hữu bắt buộc của các nhà đầu tư lên cao hơn, cơ chế giám sát vốn chủ sở hữu được quản lý chặt hơn.

Cũng theo ông Thắng, mặc dù đã có quy định khi dự án hoàn thành mới thanh toán cho Nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế các địa phương đã thanh toán cho nhà đầu tư theo tiến độ, thậm chí còn thanh toán trước cho nhà đầu tư. Việc này đã làm mất ý nghĩa của hình thức đầu tư BT.

Đặc biệt, khi được tạo dự án khác để hoàn vốn cho dự án BT (tại Việt Nam thường là giao một quỹ đất để thực hiện dự án bất động sản) thì việc xác định giá trị tiền sử dụng đất không hợp lý đã gây thất thoát lớn cho ngân sách.

Nguyên nhân ông Thắng chỉ ra, do trình độ quản lý còn hạn chế nên đã cho phép các dự án thực hiện thu phí hở tạo rủi ro để nhà đầu tư gian lận trốn doanh thu gây thất thoát.

“Việc quy định mức thu phí tại các dự án khác nhau cho 1 xe cơ sở chênh lệch quá lớn từ 15.000 - 45.000 đồng cũng tạo ra rủ ro, gây thất thoát”, ông Thắng nói.

Qua quá trình xây dựng và vận hành pháp luật áp dụng cho hình thức hợp tác công tư PPP cho thấy, để xảy ra các rủi ro này hoàn toàn do thiếu minh bạch, việc giám sát của cơ quan Nhà nước còn chưa thực hiện đầy đủ và thiếu vắng hoàn toàn sự giám sát của cộng đồng.

Để khắc phục và giảm thiểu các rủi ro này ngoài việc thường xuyên tổng kết đánh giá để hoàn thiện chính sách, tăng cường công tác kiểm tra giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì việc quan trọng nhất là phải công khai minh bạch để có sự giám sát rộng rãi của cộng đồng.

Hải Nhuần