TP Hồ Chí Minh cam kết thực hiện nghiêm kết luận thanh tra 

Từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề cập đến loạt giải pháp trọng tâm trên nhiều lĩnh vực những tháng cuối năm 2019. Trong đó, sẽ thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, cũng như xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị vi phạm. 

TP Hồ Chí Minh cũng cam kết sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện nghiêm kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái bày tỏ quan điểm đồng tình và nhất trí cao với các ý kiến phát biểu. Đề cập đến kết luận thanh tra tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo Tổng Thanh tra, có ý kiến cho rằng, TTCP chưa đề cập đến việc giải quyết khiếu nại (KN) của người dân, đặc biệt là 5 khu phố thuộc 3 phường.

“Hôm nay, Ban Tiếp công dân Trung ương đã tiếp, cùng phối hợp với Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vận động 28 hộ dân KN. TP cam kết trong tháng 7 này sẽ giải quyết dứt điểm”, Tổng Thanh tra thông tin.

Ông cho biết, TTCP có 2 kết luận thanh tra liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Kết luận đầu tiên vào năm 2018 (Thông báo số 1483/TB-TTCP ngày 4/9/2018), trong đó đã kết luận về ranh quy hoạch. 

“Theo quy hoạch của TP và đối chiếu với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi xác định có 4,3ha ngoài ranh quy hoạch”, Tổng Thanh tra Chính phủ giải thích và cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát, hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch, hiện đã có ranh quy hoạch, bản đồ.

Theo lãnh đạo TTCP, hiện người dân khiếu nại (KN) thì theo quy định của Luật, UBND TP Hồ Chí Minh giải quyết, nếu người dân chưa đồng tình thì tiếp tục giải quyết theo quy định.

“Trong kết luận thanh tra, chúng tôi rất quan tâm đến yêu cầu giải quyết bức xúc của người dân, đặc biệt là về ranh quy hoạch”, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Tổng Thanh tra cũng cho hay, 6 tháng đầu năm 2019, số lượt công dân đến KN, tố cáo (TC) và số đơn thư đã giảm hơn số với cùng kỳ năm 2018. 

“Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn và chúng tôi đánh giá rất cao sự tích cực của các ngành, các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói và nhấn mạnh, sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Tổ Công tác do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình làm Tổ trưởng; kế hoạch, hướng dẫn của TTCP, công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC đã có trọng tâm hơn, quyết liệt hơn.

Song, tình hình KN, TC đông người diễn biến khá phức tạp. Vì vậy, trong tháng 5, 6, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã cùng với Tổ Công tác làm việc 4 tỉnh, TP là Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Tháp và Đắk Lắk để đôn đốc, hướng dẫn giải quyết thấy rất thuận lợi.

“Chúng tôi đề nghị, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa trong công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC theo quy định của pháp luật, đặc biệt là hướng dẫn của TTCP trong việc phân loại các vụ việc đông người, phức tạp để có chủ động giải quyết, ổn định tình hình, cố gắng làm sao để không làm phát sinh thêm những vụ phức tạp, đông người, dần dần giảm và đi đến mức thấp nhất”, ông Lê Minh Khái nêu.

“Hứa” phối hợp chặt để xử lý sau thanh tra

Đề cập đến việc xử lý sau thanh tra, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay, khi có kết luận của TTCP năm 2012, TP đã tập trung thực hiện, nhưng gặp khó khăn, vướng mắc.

“Khi có kết luận thanh tra của TTCP, sau đó là một loạt vụ án, TP Đà Nẵng đã chủ động rà soát tất cả dự án bất động sản. Từ đó, phát hiện ra hàng trăm dự án có vướng mắc, khó khăn và sai phạm tương tự”, ông Thơ nói.

Vì vậy, Đà Nẵng đã báo cáo Chính phủ, TTCP, các bộ, ngành và đề nghị có hướng dẫn để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhưng đến nay chưa nhận được chỉ đạo khiến “phần lớn các dự án bất động sản đã rà soát chưa triển khai được làm cho tốc độ tăng trưởng ngành chung của ngành công nghiệp xây dựng chậm lại”.

Về vấn đề này, theo Tổng Thanh tra, kết luận thanh tra năm 2012 là đúng quy định của pháp luật. TP Đà Nẵng giảm quyền sử dụng đất, công nhận thời hạn sử dụng đất không đúng. Nhưng thực tế đã giao đất và nhà đầu tư đã chuyển đổi nên việc thực hiện xử lý sau thanh tra có khó khăn. 

TP Đà Nẵng có kiến nghị xem xét xử lý dứt điểm, TTCP sẽ làm hết trách nhiệm, phối hợp với Đà Nẵng để tìm giải pháp báo cáo Thủ tướng tháo gỡ khó khăn. 

“Với kết luận thanh tra đã có hiệu lực cố gắng làm sao các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện tốt”, ông Lê Minh Khái nói và cho hay, gần đây, các kết luận thanh tra như kết luận thanh tra cổ phần hoá cảng Quy Nhơn và một số vụ việc phức tạp được dư luận quan tâm đã thực hiện tốt. 

“Đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch TP đã cam kết với Thủ tướng sẽ thực hiện nghiêm kết luận này. Chúng tôi rất hoan nghênh và hứa sẽ phối hợp chặt chẽ để thực hiện việc này”, Tổng Thanh tra phát biểu. 

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng cho biết, các kiến nghị của Đà Nẵng, Chính phủ đang tập trung xem xét với tinh thần thận trọng, không để phát sinh sai phạm khác. 

Thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm để tránh chồng chéo

Liên quan đến việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán như phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu, theo Tổng Thanh tra, đây không phải là việc mới và đã được nói nhiều. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20 chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

“TTCP cũng rất quan tâm. Ngay trong Kế hoạch thanh tra năm 2019, chúng tôi đã giảm 30% cuộc thanh tra thường xuyên”, ông Lê Minh Khái nêu, trong TTCP có 7 cục, vụ thì chỉ xây dựng thanh tra 14 cuộc, còn lại là xử lý các cuộc chậm trước kia và các cuộc Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chồng chéo. Ngay như hệ thống thanh tra có TTCP, thanh tra các bộ, ngành và thanh tra tỉnh, thành, huyện. Bên cạnh đó, còn có hệ thống của Uỷ ban Kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước. Trong khi đó, đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại trùng nhau.

Các cơ quan quyết định kế hoạch thanh tra cũng không tập trung như kế hoạch thanh tra của TTCP thì phải báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước khi quyết định, kế hoạch của thanh tra bộ thì Bộ trưởng quyết định, kế hoạch của thanh tra tỉnh thì lại do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định...

Vì vậy, về lâu dài phải có tính toán tổng thể xem cơ quan nào thanh tra, kiểm tra tính tuân thủ pháp luật, cơ quan nào thanh tra, kiểm tra ngân sách, cơ quan nào thanh tra, kiểm tra tài sản công… 

“Phải có nghiên cứu tổng thể để tránh chồng chéo”, lãnh đạo TTCP nhấn mạnh và cho rằng, khi thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, có tính toán để không dàn trải. Khi xác định cuộc thanh tra, kiểm tra phải rõ phạm vi, đối tượng, thời gian, nội dung để kiểm soát…

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, tới đây sẽ tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 20 để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ nhằm làm sao hoạt động thanh tra, kiểm tra đặc biệt hệ thống thanh tra Nhà nước đạt hiệu quả, không bị chồng chéo.

Hương Giang