Chiều ngày 4/9, tiếp tục chương trình làm việc, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra, cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2019.

Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế

Trình bày báo cáo, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho hay, trong năm 2019, công tác PCTN tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác PCTN, giữ vững niềm tin của nhân dân.

Nổi bật là, đã tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn.

“Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh PCTN”, ông Trần Ngọc Liêm thông tin.

Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được đẩy mạnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Báo cáo điểm một loạt vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, điển hình như: Vụ án Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh và đồng phạm bị khởi tố điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại TP Hồ Chí Minh; vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) cùng đồng phạm về tội “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...”.

Hay vụ án Lê Nam Trà cùng đồng phạm “vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin Truyền thông và Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Vụ án Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Ccổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) thuộc Tổng Công ty thép Việt Nam cùng 4 đồng phạm bị khởi tố, điều tra về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tisco.

Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước.

Cũng theo Phó Tổng Thanh tra, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ, có nhiều vụ việc phức tạp đã thực hiện vượt tiến độ, kế hoạch, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; “tham nhũng vặt” được quan tâm chỉ đạo, tạo chuyển biến bước đầu trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…

“Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi”, ông Trần Ngọc Liêm nêu đánh giá chung của Chính phủ.

Cơ chế kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng còn chậm

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế như các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện; “tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả; công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để PCTN vẫn còn hạn chế.

“Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN”, Phó Tổng Thanh tra cho hay.

Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ. Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật vẫn còn ít.

Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại. Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật…

Đề cập đến nguyên nhân, theo ông Trần Ngọc Liêm có nhiều. Trong đó, có chuyện một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói không đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ PCTN.

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm PCTN còn chậm được hoàn thiện; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn hiệu quả chưa cao; việc thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ còn hạn chế….

Để công tác PCTN hiệu quả hơn, năm 2020, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về công tác PCTN; triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện…

Phát hiện 10 người vi phạm kê khai tài sản, thu nhập

Số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm là 1.081.235 người; đạt tỷ lệ 99,9% so với số người phải kê khai; số bản kê khai đã công khai: 1.075.277 bản; đạt tỷ lệ 99,4% so với số bản đã kê khai; có 46 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập.

Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 04 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Xử lý kỷ luật 8 trường hợp (Bộ Công an: 2 người, Đà Nẵng: 1 người, Khánh Hòa: 2 người, Tây Ninh: 2 người, Thanh Hóa: 1 người), đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp

21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do để xảy ra tham nhũng

Năm 2019, có 21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 2 người đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Tuy nhiên, “việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu và còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng”, báo cáo Chính phủ nêu.

Qua thanh tra phát hiện 48 vụ tham nhũng

Qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 22 đối tượng (bằng số vụ và tăng 4,7% số đối tượng so với năm 2018). Qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 48 vụ, 37 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (giảm 28,3% số vụ). Còn từ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 30 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (giảm 61,7% số vụ).

Với các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, Bộ Công an giao cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu điều tra, xác minh 31 vụ án, 27 vụ việc, Cơ quan An ninh điều tra thụ lý điều tra 1 vụ án.

Hương Giang