Năm 2018, nhiều cá nhân, tổ chức sai phạm bị kiểm điểm, xử lý

Theo báo cáo, năm 2018, Lâm Đồng đã thực hiện về thanh tra hành chính được 170 cuộc theo kế hoạch và 29 cuộc thanh đột xuất. Qua thanh tra đã phát hiện 177/261 đơn vị sai phạm về kinh tế. Sai phạm chủ yếu là chi ngân sách không đúng quy định; sử dụng đất không đúng mục đích, giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng; nghiệm thu, thanh quyết toán công trình xây dựng cơ bản không đúng thực tế thi công… với số tiền 49 tỷ đồng, 160m2. Kiến nghị thu hồi 38,7 tỷ đồng, thi công bổ sung, xử lý khác 10,4 tỷ đồng, 160m2 đất; kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý đối với 82 tổ chức và 79 cá nhân.

Đồng thời, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành 724 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành với 1.776 cá nhân, 853 tổ chức. Nội dung thanh tra chủ yếu trên các lĩnh vực: Tài chính, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn… Qua thanh tra phát hiện 843 cá nhân và 450 tổ chức có vi phạm. Các cấp có thẩm quyền  đã ban hành 1.016 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 743 cá nhân và 273 tổ chức. 

Ngoài ra, kiến nghị thu hồi số tiền sai phạm 3,8 tỷ đồng; số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 5,7 tỷ đồng (đã thu hồi 2,8 tỷ/5,7 tỷ đồng).

Năm 2018, Lâm Đồng cũng đã tiến hành kiểm tra, thanh tra, đôn đốc việc thực hiện 250 kết luận thanh tra. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị  đã nghiêm túc thực hiện các kiến nghị qua thanh tra; số tiền thu hồi  43/53,9 tỷ đồng (đạt 79,8%), kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 40 tổ chức. Đối với kết quả rà soát các vụ tồn đọng, phức tạp, kéo dài còn 47 vụ việc. Trong đó, rà soát theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP là 21 và Kế hoạch 2100/KH-TTCP là 26 vụ việc.

Bước sang năm 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đang chuẩn bị tiến hành rà soát 2 vụ việc theo tinh thần Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 2100/KH-TTC. Cụ thể là vụ việc của Ma Khang (Đơn Dương) và Nguyễn Trí Thông (Lâm Hà), hiện các đơn vị đang chuẩn bị để triển khai rà soát.

Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế…!

Tại buổi làm việc với Đoàn Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã thừa nhận: “Trong năm 2018, có một số giám đốc sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện chưa sâu sát trong chỉ đạo công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, cá biệt vẫn còn có doanh nghiệp phản ánh về tình trạng chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp”.

Ngoài ra, ông Yên còn cho biết thêm, nguyên nhân để xảy ra tồn tại hạn chế là do một số nội dung kiến nghị thanh tra, nhất là liên quan đến lĩnh vực giải quyết các vi phạm về công tác quản lý, bảo vệ rừng; quản lý đất đai… cần nhiều thời gian để làm rõ và xử lý theo đúng quy định; một số vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài liên quan đến nhiều cấp, ngành và địa phương nên cần nhiều thời gian để xác minh nên ảnh hưởng đến tiến độ và ban hành quyết định giải quyết.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh đánh giá cao cũng như biểu dương công tác thanh tra, kiểm tra của tỉnh Lâm Đồng trong năm 2018. 

“Trong thời gian tới, UBND tỉnh Lâm Đồng cần xây dựng tiêu chí để báo cáo rõ ràng và công bằng, đề nghị Cục II hướng dẫn cho tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng cần nêu rõ việc thanh tra hành chính và thanh tra công vụ để đẩy mạnh xử lý vi phạm. Thanh tra Chính phủ rất quan tâm đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đặc biệt là tranh chấp đất đai của những người di cư…”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã nêu lên nhiệm vụ về công tác thanh tra, công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2019, như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gắn với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tuyên truyền, tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng; nâng cao chất lượng công tác thanh tra gắn với ngăn ngừa và phát hiện tham nhũng; kiến nghị cụ thể về trách nhiệm của cán bộ, công chức liên quan đến sai phạm, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm.

Khoa Lê