Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao

Quả thực như vậy. Đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương mới biết được những khó khăn vất vả của cán bộ tiếp công dân. Môi trường làm việc thường xuyên bị áp lực do tiếp xúc với công dân khiếu kiện bức xúc, manh động, quá khích, thái độ gay gắt, đôi khi có lời lẽ xúc phạm công chức thực hiện nhiệm vụ. Tuy vậy, trong năm qua, tập thể cán bộ, công chức Ban Tiếp công dân Trung ương đã cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại (KN), tố cáo (TC), phản ánh, kiến nghị của công dân tại Trụ sở, nhất là trong thời gian diễn ra các kỳ họp của Trung ương Đảng khóa XII và Quốc hội khóa XIV được đảm bảo.

Mặt khác, Ban cũng chủ động báo cáo, tham mưu giúp lãnh đạo Thanh tra Chính phủ hướng xử lý tình huống phức tạp về an ninh, trật tự tại Trụ sở. "Qua đó ổn định tình hình, góp phần động viên cán bộ, công chức, người lao động yên tâm công tác; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan đảm bảo an ninh, trật tự, góp một phần vào thành công chung trong các kỳ họp của Trung ương Đảng, Quốc hội, các sự kiện lớn của đất nước. Phát huy được vai trò của Ban, Trụ sở trong việc chuyển tải tiếng nói của người dân đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong công tác giải quyết các vụ việc KN,TC đông người, phức tạp", Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp khẳng định.

Nhìn lại một năm qua, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, quản lý Nhà nước tiếp tục được nâng lên, khẳng định được vai trò, trách nhiệm của Ban Tiếp công dân Trung ương trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư KN,TC, kiến nghị, phản ánh trong phạm vi cả nước.

Phó Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết, trong năm 2018, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã tiếp 17.101 lượt người (Hà Nội 14.925 lượt, chiếm 87,3%; TP Hồ Chí Minh 2.176 lượt, chiếm 12,7%) đến trình bày 4.584 vụ việc; tiếp nhận 13.223 đơn thư các loại. Trong số đơn đã xử lý có  3.924 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 29,9% (KN 3.416  đơn, TC 182 đơn, kiến nghị và phản ánh 326 đơn).

Để hạn chế việc công dân tập trung đông người KN,TC dài ngày tại Hà Nội, Ban đã chủ động phối hợp với UBND một số tỉnh, thành phố vận động công dân trở về và tổ chức tiếp tại địa phương như: Các công dân thuộc quận 2, TP Hồ Chí Minh (liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm); một số công dân tỉnh An Giang; công dân phường Hồng Gai, Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; công dân huyện Gia Lâm, quận Hoàng Mai, quận Hà Đông, quận Bắc Từ Liêm của TP Hà Nội; công dân xã An Nhơn Tây và xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, là một số công dân tỉnh Đồng Tháp đang khiếu kiện phức tạp tại Trụ sở ở Hà Nội.

"Đối với các trường hợp công dân khiếu kiện lưu trú dài ngày tại Thủ đô, Trụ sở đã có văn bản đề nghị địa phương cử Tổ Công tác đến Trụ sở để phối hợp tiếp, vận động và bố trí đưa công dân trở về địa phương, tránh để công dân lưu trú dài ngày bị phần tử cơ hội lợi dụng, lôi kéo, kích động", bà Tuyết nói.

Bên cạnh đó, Ban Tiếp công dân Trung ương cũng đã chủ động thành lập các Tổ Công tác kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN,TC tại một số tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Dương, Lào Cai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hà Nội, Lai Châu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu; thành lập các Tổ Công tác nắm tình hình một số vụ việc KN,TC phức tạp như vụ việc của công dân quận Hoàng Mai, TP Hà Nội liên quan đến dự án mở rộng đường Tam Trinh và dự án đường vành đai 2,5; vụ việc của công dân thuộc quận Ngô Quyền liên quan đến việc thu hồi đất của Trường THPT Trần Phú, TP Hải Phòng...

 

Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của Ban Tiếp công dân Trung ương. Ảnh: TH

 

Quan tâm hơn nữa đến tinh thần, vật chất cán bộ tiếp dân

Bên cạnh kết quả đã đạt được, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương cũng thừa nhận trong quá trình triển khai nhiệm vụ còn một số hạn chế như: Những tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư còn chậm được khắc phục; công tác theo dõi, đôn đốc, nắm tình hình KN,TC của địa phương còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo; tham mưu, tổng hợp vẫn còn một số việc chậm, chưa nắm sát tình hình, số liệu báo cáo, thống kê chưa khoa học; một số cán bộ, công chức chưa thực sự chủ động, tập trung nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, tự trau dồi nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng giao tiếp với công dân, thiếu nhiệt tình trong công việc dẫn đến kết quả còn hạn chế...

Ông Điệp cho biết, trong thời gian tới, Ban tiếp tục duy trì thường xuyên và hiệu quả công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; phối hợp với các lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự đảm bảo an toàn tuyệt đối phục vụ cho các kỳ họp của Trung ương Đảng và Quốc hội theo đúng kế hoạch; tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN,TC thuộc thẩm quyền, đặc biệt trong việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND các địa phương.

Tiếp tục phối hợp với các cục, vụ, đơn vị có liên quan để đánh giá và hoàn thiện Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KN,TC.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của Ban, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh chia sẻ với những khó khăn mà cán bộ tiếp công dân phải đối mặt, đồng thời đánh giá cao kết quả đạt được trong một năm qua của Ban Tiếp công dân Trung ương.

Phó Tổng Thanh tra đề nghị tập thể cán bộ lãnh đạo Ban tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác tổ chức cán bộ, gắn đổi mới công tác cán bộ với sắp xếp cán bộ phù hợp để phát huy năng lực, sở trường công tác.

"Đặc biệt,  quan tâm hơn nữa đến đời sống, tinh thần, vật chất cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị; đẩy mạnh công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết KN,TC gắn với thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư...", Phó Tổng Thanh tra đề nghị.

Thái Hải