Phát biểu khai mạc, TS. Trịnh Tiến Việt, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, PCTN không phải là chủ đề mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu chủ yếu đề cập dưới góc độ kinh tế học, chính trị học, xã hội học mà chưa có nhiều nghiên cứu về PCTN dưới góc độ pháp lý, cũng như mối liên hệ giữa PCTN và các tiêu chuẩn về quản trị công hiện đại. 

Những kiến thức, tham luận, thông tin mà các chuyên gia, đại biểu chia sẻ và thảo luận trong buổi hội thảo sẽ được biên tập, tổng hợp, xuất bản thành sách để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu trong các chương trình thạc sĩ Luật học. 

Đặc biệt là phục vụ chuyên ngành Quản trị Nhà nước về PCTN của Khoa Luật cũng như làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan, tổ chức hữu quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện khung thể chế về PCTN nhằm nâng cao hiệu quả quản trị Nhà nước ở Việt Nam.  Quan trọng hơn, sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, đặc biệt là trong bối cảnh thi hành Luật PCTN vừa được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2018. 

Ngoài ra, hội thảo cũng xây dựng, củng cố hệ thống học liệu, cung cấp ý kiến tư vấn cho các cơ quan Nhà nước và các nhà hoạch định chính sách

Tại hội thảo, các tham luận, các ý kiến của đại biểu tập trung trao đổi, chia sẻ về các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về PCTN, xử lý tham nhũng. Kinh nghiệm của một số các quốc gia về PCTN; thực trạng và thách thức đối với PCTN trong một số lĩnh vực cụ thể như cung cấp dịch vụ công. 

Nhiều đại biểu cũng đưa ý kiến, phân tích về các vấn đề pháp lý liên quan đến phát hiện và xử lý tham nhũng như: Vai trò của cơ quan chuyên trách PCTN; bảo vệ người tố cáo tham nhũng; trách nhiệm pháp lý áp dụng cho các hành vi tham nhũng…

Chia sẻ rõ hơn về tham nhũng và PCTN trong khu vực tư ở Việt Nam, TS. Phạm Thị Huệ, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho biết, tham nhũng trong khu vực tư thường được hiểu là hành vi của cá nhân có quyền hạn hoặc có ảnh hưởng nhất định đối với tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức nhân đạo… đã lợi dụng quyền hạn hoặc ảnh hưởng của mình trong tổ chức nội bộ hoặc hoạt động của tổ chức, công ty, doanh nghiệp vì vụ lợi… 

Hiện tượng tham nhũng trong khu vực tư thường xảy ra phổ biến nhất và gây hậu quả nặng nề nhất ở khu vực doanh nghiệp nên khi nói tới khu vực tư trong tham nhũng và PCTN thì khái niệm này thường chỉ bao hàm là khu vực doanh nghiệp.

Đưa ví dụ về kết quả nghiên cứu và khảo sát “Tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp - thực trạng và giải pháp", TS. Phạm Thị Huệ cho biết, khi trả lời về cảm nhận của doanh nghiệp về mức độ phổ biến của “tham nhũng vặt”, có tới 80% doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng đây là thực trạng “rất phổ biến, phổ biến”, chỉ có 17% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng này “ít xảy ra”.

Còn TS. Bùi Tiến Đạt, Khoa Luật nhận định, PCTN trong cung ứng dịch vụ công thông qua Báo cáo PAPI 2018, tham nhũng vặt (chủ yếu ở cấp xã) giảm nhưng tham nhũng lớn (cấp quốc gia) vẫn được phần đông đánh giá là ổn định hoặc tăng. Hiện tượng này phản ánh hiện trạng về tham nhũng trong khu vực công nói chung và tham nhũng trong dịch vụ công nói riêng. Tham nhũng trong dịch vụ công được đánh giá chủ yếu là các dạng tham nhũng trong các dịch vụ có sự giao tiếp giữa người dân và tổ chức cung ứng và có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân…

Nhấn mạnh về vai trò của Thanh tra Chính phủ (TTCP) trong PCTN ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận định, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, thanh tra là một công cụ quan trọng của quản lý, thanh tra, kiểm tra giúp hoạt động quản lý có hiệu quả hơn. Vai trò của TTCP được thể hiện tập trung trên phương diện: Quản lý Nhà nước về PCTN; trực tiếp tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN theo thẩm quyền thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Qua công tác thanh tra, TTCP nói riêng và các cơ quan thanh tra Nhà nước nói chung phát hiện những cách làm mới, những tiến bộ, tích cực trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Các cơ quan thanh tra ghi nhận, báo cáo và đề xuất, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có biện pháp phát huy, nhân rộng những nhân tố tích cực, thậm chí có chủ trương, chính sách để khuyến khích, phát triển những mô hình kinh tế - xã hội mới phù hợp với thực tiễn, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế TTCP khẳng định.

Thái Hải