Quốc hội dành một ngày (4/11) thảo luận ở hội trưởng các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2019.

Chứng minh đưa, nhận hối lộ khó nhưng làm được

Trình bày báo cáo về công tác PCTN, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, “tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn”.

Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được đẩy mạnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

“Đáng chú ý, nhiều vụ án được mở rộng điều tra, làm rõ yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt để khởi tố thêm tội tham nhũng. Việc thu hồi tài sản ngay trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng năm 2019 đạt kết quả tích cực và có sự tiến bộ rõ nét”, ông Lê Minh Khái nói.

Đánh giá cao điều này, đại biểu (ĐB) Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đề cập đến vụ án Mobifone mua AVG đã làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ hàng triệu USD để xử lý nghiêm minh 2 cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn.

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn đến như vậy. Điều này cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng”, nữ ĐB nói.

Song, theo bà Hoa, vẫn còn nhiều vụ án lớn dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng không chứng minh được nên phải xử lý về tội phạm kinh tế.

“Đưa và nhận hối lộ rất khó chứng minh, đa phần chỉ chứng minh được qua phạm tội quả tang mà khó chứng minh qua truy xét”, ĐB đoàn Nam Định nhận định và nói, “khó nhưng không phải là không làm được”; đồng thời dẫn chứng vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam có lời khai đưa hối lộ vẫn không có bị cáo nào bị truy tố về tội nhận hối lộ. Vì vậy, tại phiên phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP Hà Nội đã kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về đưa hối lộ.

“Dư luận băn khoăn đặt câu hỏi phải chăng hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh hay còn có nguyên nhân chủ quan nào khác?”, bà Hoa phát biểu và đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết giai đoạn 2 của vụ án này để làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ.

ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định). Ảnh: Hoàng Hải

 

Sẽ tốt hơn nếu có những biện pháp phòng ngừa từ xa

Cũng từ các vụ việc sai phạm lớn, vụ án tham nhũng lớn dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, PCTN để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa trong thời gian tới.

Nhất trí với kiến nghị này, ĐB Hoa nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thường xuyên và chấn chỉnh ngay những sai phạm khi đang còn ở giai đoạn nguy cơ, không để sự việc xảy ra nghiêm trọng mới phát hiện, xử lý.

“Nếu không làm được như thế có khả năng xảy ra một số hệ lụy như một số cá nhân có thể lợi dụng những khe hở của pháp luật để tạo ra những lợi ích nhất định cho bản thân hoặc của một nhóm người nào đó. Đây là khởi nguồn của tội phạm tham nhũng. Điều này có thể thấy rõ qua một số vụ án tham nhũng liên quan đến đất đai, xảy ra  thời gian vừa qua tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng”, bà Hoa phân tích.

Ngoài ra, sau một số vụ án lớn có thể dẫn đến hệ lụy “không dám làm gì, không dám quyết gì, không dám tham mưu, đề xuất gì cả, cứ đóng băng lại vì làm sợ vi phạm hoặc có làm thì rất dè dặt”. “Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng là rất tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có những biện pháp phòng ngừa từ xa, từ gốc rễ vấn đề có thể nảy sinh tham nhũng, đó mới là giải pháp căn cơ”, ĐB Hoa chốt lại.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Hoàng Hải

 

Chú trọng phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan PCTN

Một vấn đề nữa được các ĐB quan tâm là tham nhũng trong chính cơ quan có chức năng PCTN, cơ quan bảo vệ pháp luật. Theo ĐB Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên), điều này không nhiều, gây thiệt hại không lớn nhưng là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri, nhân dân vào lực lượng được giao trọng trách PCTN, bảo vệ công lý.

Ông Hùng lưu ý, vấn đề này đã được nêu nhiều năm song tình hình không có chuyển biến, thậm chí chuyển biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

“Tôi đề nghị Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ”, ĐB đoàn Thái Nguyên phát biểu và nêu rõ, phải xử lý nghiêm khắc những cán bộ, công chức trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng PCTN mà phạm tội, nhất là nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng để tạo niềm tin của người dân với các cơ quan PCTN.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an, Cục điều tra của Viện KSND Tối cao trong chương trình công tác của năm 2020 chú trọng việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật.

Qua thanh tra phát hiện 45 đối tượng tham nhũng

Năm 2019, qua công tác tự kiểm tra nội bộ phát hiện 26 vụ, 30 đối tượng; qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 69 vụ, 45 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 17 vụ, 37 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua hoạt động kiểm toán phát hiện, chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn.

Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 423 vụ án, 1.073 bị can phạm tội về tham nhũng. Thiệt hại trong các vụ án đã thụ lý là trên 7.503,5 tỷ đồng, 22.069m2đất. Tài sản thu hồi trong các vụ án đã thụ lý, điều tra trên 9.455,2 tỷ đồng, 11.867m2 đất và nhiều tài sản khác.

Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 300 vụ/672 bị can. Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao khởi tố mới 12 vụ/16 bị can về tội danh tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 279 vụ, 614 bị cáo. Có 10 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.


Kỷ luật 8 cán bộ Công an Cao Bằng nhận xe 3,7 tỷ đồng doanh nghiệp biếu

Theo Tổng Thanh tra, trong kỳ báo cáo, có 6 cá nhân đã nộp lại quà tặng theo quy định tổng giá trị là 182 triệu đồng. Cùng với đó, đã phát hiện, xử lý 3 vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng giá trị là 3,99 tỷ đồng.

Báo cáo cho thấy, 3 vụ việc này gồm: 1 nhân viên hợp đồng của UBND thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) nhận quà không đúng quy định 150 triệu đồng, đã xử lý thu hồi 150 triệu đồng và sa thải người vi phạm.

Một cán bộ công tác tại trạm khuyến nông huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) nhận quà không đúng quy định 120 triệu đồng từ năm 2018, người vi phạm đã nộp lại tiền và đến nay đã xử lý cho nghỉ việc.

Một số lãnh đạo của Công an tỉnh Cao Bằng nhận quà tặng 1 xe ô tô từ năm 2016 trị giá 3,72 tỷ đồng. Với vụ này, qua xác minh, kết luận, Bộ Công an xử lý kỷ luật cảnh cáo 2 trường hợp; Tỉnh ủy Cao Bằng xử lý kỷ luật cảnh cáo 3 trường hợp; Công an tỉnh xử lý kỷ luật cảnh cáo 2 trường hợp, khiển trách 1 trường hợp.


Hương Giang