Phát biểu dẫn đề buổi tọa đàm khoa học, TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT cho biết, hiện nay, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mới ở giai đoạn đầu, do vậy, nó đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. 

“Chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình phát triển “rút ngắn” thông qua việc ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại vào một số lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, TS. Nguyên Quốc Văn nhấn mạnh. 

Việc ứng dụng những thành tựu của công nghiệp 4.0 có khả năng mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam nếu chúng ta quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng được chiến lược phát triển rút ngắn phù hợp. 

Song, đây vẫn đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam, do kinh tế thế giới đang chuyển đổi rất nhanh sang mô hình phát triển mới, hiện đại, trong khi tư duy cũ của cách mạng 2.0 và giai đoạn đầu của cách mạng 3.0 vẫn đang chi phối mạnh ở mọi cấp độ quản lý và hệ thống chính trị Việt Nam. 

Mặt khác, Việt Nam đang nỗ lực “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa... phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ”, trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin được xác định là ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, từng bước hiện thực hóa chiến lược “phát triển rút ngắn”, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. 

Nền kinh tế Việt Nam đến nay vẫn đi theo mô hình công nghiệp hóa kiểu cũ với tư duy và thể chế quản lý cũ, do vậy, tốc độ phát triển kinh tế chậm, không bền vững, năng lực đổi mới sáng tạo hạn chế. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nay đã và đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho quản lý nhà nước. Một nền quản lý nhà nước có hiệu quả sẽ góp phần phát huy các thế mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. 

“Để nắm bắt và từng bước tiếp cận những thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thanh tra cần có những định hướng, chỉ đạo cụ thể nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động quản lý Nhà nước. Vì vậy, việc triển khai ứng dụng kết quả cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý Nhà nước và các ứng dụng khác của ngành công nghiệp này là điều cấp thiết trong thời đại mới”, Viện trưởng Viện CL&KHTT nhấn mạnh. 

Theo TS. Cung Phi Hùng, Viện phó Viện CL&KHTT, công nghiệp 4.0 có thể áp dụng trong xây dựng kế hoạch thanh tra; trong điều chỉnh, xử lý chồng chéo, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra; trong trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư KN, TC; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết đơn KN, TC, đơn phản ánh, kiến nghị. 

Công nghiệp 4.0 có thể áp dụng cả trong phòng, chống tham nhũng và kiểm soát tài sản thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích; trong nghiên cứu khoa học và bên ngoài cuộc sống… 

Còn theo đại diện Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ, trong công tác thanh tra, quan trọng nhất là xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu, phần mềm hỗ trợ xử lý phải thật chính xác, trung thực và được lan truyền nhanh. Ứng dụng công nghệ 4.0 tới công tác thanh tra sẽ hỗ trợ xử lý nhanh nhất, hiệu quả nhất. 

Để làm việc đó yêu cầu những người phụ trách phải có nghiệp vụ nhuần nhuyễn, thường xuyên cập nhật, chính xác và cần chia sẻ thông tin với các đơn vị liên quan (thuế, tài chính...). Nếu đưa công nghiệp 4.0 vào sử dụng thì Thanh tra Chính phủ phải xây dựng và đào tạo nghiệp vụ tới tận cấp huyện để có sự đồng bộ, thống nhất. 

Đại diện Viện Công nghệ sinh học chia sẻ, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào ngành Thanh tra là điều hoàn toàn khả thi. Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng công nghệ sinh học vào đọc bệnh án cho bệnh nhân tại các bệnh viện thành công. Ngành Thanh tra hoàn toàn có thể thiết kế robot để đọc, phân loại đơn thư cầu cứu, tố giác, đơn KN, TC. 

“Nhiều khi con người có lúc mệt mỏi, ốm đau, tinh thần không minh mẫn, làm việc có thể dẫn đến sai sót thì có thể áp dụng ngay công nghệ 4.0 vào việc tiếp nhận đơn và xử lý đơn thư”, đại diện Viện Công nghệ sinh học nhấn mạnh. 

Đại diện Trường Cán bộ thanh tra thì đưa ý kiến, hiện nay, kể cả Trường tới xin Thanh tra Chính phủ hồ sơ những vụ việc đã thanh tra, đã kết luận xong cách đây năm, bảy năm về trước làm tài liệu giảng dạy còn là khó khăn. Vì vậy, khi cập nhật dữ liệu phải lưu ý điều này. Bởi lẽ, bản chất thanh tra khác hẳn hoàn toàn với kiểm toán, kiểm toán là độc lập và làm theo pháp luật, nhưng thanh tra là khách quan và chỉ độc lập tương đối, bị ảnh hưởng bởi quản lý Nhà nước. 

Kết luận tọa đàm, TS. Cung Phi Hùng khẳng định, Toạ đàm “Công nghiệp 4.0 với ngành Thanh tra” đã có rất nhiều ý kiến chia sẻ thẳng thắn, bám sát vào ứng dụng ngành Thanh tra trong công nghệ 4.0. Viện CL&KHTT sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để xây dựng báo cáo Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra trình Tổng Thanh tra Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Thái Hải