Đóng góp của ngành Thanh tra

Với tư cách là thành viên chính phủ, đồng chí Phan Văn Sáu đã đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 của TP. Hồ Chí Minh, góp phần cùng cả nước giữ ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của ngành Thanh tra TP mang tên Bác.


 Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và các cục, vụ tham gia buổi sơ kết. Ảnh NG

Ghi nhận và biểu dương kết quả toàn diện trên tất cả các mặt công tác của ngành Thanh tra TP. Hồ Chí Minh, cũng như định hướng các nội dung công tác 6 tháng cuối năm, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu khẳng định với truyền thống nhiều năm là đơn vị thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, dưới sự hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ, sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, công chức ngành Thanh tra phải nỗ lực khắc phục khó khăn, tăng cường đoàn kết để thực sự là tai mắt của trên, là bạn của dưới như lời dạy của Bác Hồ, đang được treo trang trọng tại trụ sở của Thanh tra TP. Hồ Chí Minh.

Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích trong công tác năm 2015 của ngành Thanh tra TP. Hồ Chí Minh. Ảnh NG

Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu cũng nhấn mạnh về việc cần nhận thức đúng về mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Trong tình hình mới, ngành Thanh tra TP. Hồ Chí Minh phải chú ý đến hiệu quả của kết luận, kiến nghị thanh tra trong bổ sung, sửa đổi thể chế, đặc biệt là các vấn đề mới phát sinh như giao đất dịch vụ để huy động vốn xây dựng nhà ở có giá trị cao đang diễn ra tại địa phương, để cùng toàn ngành đóng góp nhiều hơn nữa nhằm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích trong công tác năm 2015 ngành Thanh tra TP. Hồ Chí Minh. Ảnh NG

Để từng bước giải quyết cơ bản các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp, cũng như chủ động giải quyết vụ việc mới phát sinh tại một địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất nước, Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu yêu cầu Thanh tra TP. Hồ Chí Minh phải tăng cường thanh tra trách nhiệm, gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở với cơ chế phù hợp. 

Những vụ việc đã có thông báo chấm dứt thụ lý cần thông tin công khai cho cộng đồng hiểu, những vụ việc còn tồn đọng do nhiều nguyên nhân khách quan cần được thống nhất hướng giải quyết trong quý III/2016. Tất cả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật cần được cơ quan chức năng, người đứng đầu các quận huyện thực hiện nghiêm túc. 

Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân của lãnh đạo, người đứng đầu, của các cơ quan chuyên trách theo đúng quy định của pháp luật. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, đúng thẩm quyền và hết thẩm quyền, nhất là các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch số 2100/KH-TTCP, Kế hoạch số 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

Những kiến nghị của ngành Thanh tra TP. Hồ Chí Minh về cơ chế báo cáo; biện pháp chế tài xử lý vi phạm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chế độ đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch… cũng đã được Tổng Thanh tra ghi nhận và sẽ giao cho các cục, vụ chuyên môn nghiên cứu trình các giải pháp thực hiện phù hợp.

Nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ

Thay mặt lãnh đạo địa phương, ông Huỳnh Cách Mạng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự cám ơn sự hỗ trợ giúp đỡ của Thanh tra Chính phủ, của cá nhân các đồng chí lãnh đạo ngành đối với công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, xây dựng ngành của thanh tra địa phương. Là địa bàn phát sinh nhiều quan hệ kinh tế, pháp luật phức tạp nên UBND TP. Hồ Chí Minh đã xác định thanh tra “vừa đóng vai là Triển Chiêu, vừa đóng vai là Công Tôn Sách” trong việc tham mưu, thực hiện vai trò quản lý nhà nước tại một thành phố hơn 10 triệu dân với hàng loạt vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

Tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ về những nội dung cần thực hiện, Chánh Thanh tra TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Long Tuyền, khẳng định: Ngành Thanh tra địa phương sẽ nỗ lực, cố gắng hơn nữa để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được phân công đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn, đúng hướng dẫn nghiệp vụ của các cục, vụ.

Chánh Thanh tra TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Long Tuyền tiếp thu chỉ đạo của Tổng Thanh tra. Ảnh NG

Báo cáo của Thanh tra TP. Hồ Chí Minh cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn ngành đã thực hiện 81 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 36 cuộc thanh tra đột xuất, đã hoàn thành kết luận 45 cuộc. Qua thanh tra đã phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời làm rõ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân tồn tại, qua đó kịp thời kiến nghị các biện pháp giải quyết, tham mưu xây dựng Kế hoạch thanh tra trong năm 2017 phù hợp hơn với thực tiễn. 

Ngoài ra, các Sở ngành đã thực hiện 12.144 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, về các lĩnh vực như: Vệ sinh an toàn thực phẩm, Giao thông vận tải, Văn hóa- thể thao, du lịch, Y tế, Công thương, Lao động, Kế toán, Xây dựng... đã ban hành 12.935 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt hơn 67 tỷ đồng.

Đặc biệt, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh đã chủ động thanh tra trách nhiệm để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đặc biệt là đề cao vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành và thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời với các địa phương, cơ quan, đơn vị tham mưu Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh, chỉ đạo rà soát, giải quyết dứt điểm, hoặc cơ bản các vụ khiếu nại kéo dài tại các Dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2), Dự án Khu Công nghệ cao (Quận 9), Dự án Thảo Cầm viên mới (huyện Củ Chi), Dự án Sing-Việt (huyện Bình Chánh); đẩy nhanh tiến độ thụ lý, xử lý các vụ việc khiếu nại có liên quan đến Dự án Chỉnh trang phát triển Long Bình (Quận 9), Dự án tại Đại học Quốc gia (quận Thủ Đức) để góp phần an dân, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế- xã hội.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Hồ Chí Minh và cán bộ chủ chốt của ngành Thanh tra địa phương tại lễ sơ kết. Ảnh NG

Ngoài ra, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại cần có cơ chế phù hợp và quyết tâm chính trị thống nhất để giải quyết . Đó là tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn có những diễn biến phức tạp, gay gắt nhất là các khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án. 

Số lượng đơn thuộc thẩm quyền giải quyết còn nhiều, nhất là tại các địa phương có nhiều dự án; việc thụ lý giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm, quá thời gian quy định; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số địa phương còn hạn chế, việc áp dụng pháp luật khi giải quyết khiếu nại chưa đúng và đầy đủ, công dân không đồng tình và tiếp tục khiếu nại, tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại tại một số cơ quan, đơn vị và địa phương thiếu chặt chẽ, như: không có thông báo thụ lý, không có kế hoạch xác minh nội dung tố cáo, ban hành thông báo ngưng giải quyết khiếu nại khi người khiếu nại có có đơn xin rút khiếu nại mà không ban hành quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại, người chủ trì đối thoại giải quyết khiếu nại không đúng quy định; thời hạn giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo quá ngắn, do đó rất khó khăn trong việc đảm bảo giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đúng thời thời hạn theo quy định.

Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; tình hình nhũng nhiễu và vòi vĩnh trong giải quyết công việc liên quan đến công dân và doanh nghiệp chưa được khắc phục; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, đối phó; một số nơi còn buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm, tham nhũng; việc đáng giá trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quản lý còn hạn chế; việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa đều, không đồng bộ trong các cơ quan, đơn vị.

Công tác tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tuy đạt được nhiều kết quả nhưng chủ yếu vẫn nặng về hình thức tuyên truyền miệng thông qua báo cáo viên nên chưa thật sự thu hút, hấp dẫn người tham gia, vẫn còn một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết; một số vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật có tình, có lý, nhưng người dân vẫn không đồng ý tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi...

Ngọc Giang