Trong những năm qua, các cơ quan báo chí nước ta đã làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, vừa là diễn đàn của nhân dân, đã tuyên truyền kịp thời việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, trong lao động, sản xuất kinh doanh, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; chủ động đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để xây dựng và phát triển đất nước. 

Trong thời đại bùng nổ thông tin, báo chí hoạt động ngày càng có hiệu quả, tăng cường thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội. Thông qua báo chí, người dân có thể trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình về các vấn đề trong đời sống xã hội, qua đó, thể hiện sự giám sát và phản biện xã hội của mình. Báo chí đã trở thành cầu nối quan trọng giữa đảng, Nhà nước, đoàn thể với các tổ chức, doanh nghiệp, người dân thông qua việc đăng tải kịp thời các thông tin, đi sâu phân tích chính xác các vấn đề và định hướng nhận thức, hình thành dư luận xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả của phản biện xã hội.

Tuy nhiên, chất lượng hoạt động báo chí chưa tương xứng, còn quá nhiều cơ quan báo chí, tình trạng thông tin mang trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng còn diễn ra, không ít bài báo chạy theo thị hiếu nhất thời, đưa tin giật gân, câu khách, thông tin một chiều, thiếu chuẩn xác hay không đúng tôn chỉ mục đích, làm tổn hại đến lợi ích chung và ảnh hưởng đến danh dự uy tín của tổ chức, cá nhân gây khó khăn cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Cùng với các cơ quan báo chí trong cả nước, Báo Thanh tra không ngừng lớn mạnh, phấn đấu vươn lên hoàn thành các nhiệm vụ được giao. 

Báo Thanh tra quan tâm triển khai các nhiệm vụ thực hiện công tác tuyên truyền, xuất bản định kỳ 2 kỳ báo in/tuần và các số báo đặc biệt, số báo chuyên đề; duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định của Báo điện tử.

Quá trình thực hiện, Báo Thanh tra luôn bám sát tôn chỉ, mục đích cũng như sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, các chương trình, kế hoạch, kết quả công tác của Thanh tra Chính phủ, của ngành thanh tra và các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức,viên chức của Nhà nước cũng như các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Các hoạt động chủ yếu của Thanh tra Chính phủ, các thông tin quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước được quan tâm tuyên truyền; những kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, xây dựng ngành thanh tra thường xuyên đăng tải. 

Không chỉ biểu dương người tốt, việc tốt, Báo đã tổ chức nhiều bài viết dưới dạng điều tra, phóng sự điều tra trực tiếp đấu tranh, phê bình các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, góp phần chấn chỉnh quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nhiều vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được Báo Thanh tra thông tin, định hướng dư luận; uy tín và vị thế của Báo Thanh tra không ngừng được nâng cao. Điều này thể hiện sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Báo Thanh tra, nhất là lực lượng Phóng viên, Biên tập viên không ngừng được củng cố, trưởng thành. 

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì hoạt động của Báo Thanh tra vẫn còn một số hạn chế, bất cập, nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội chưa được Báo Thanh tra đăng tải kịp thời; số lượng phát hành Báo đạt thấp, chất lượng thông tin tuyên truyền vẫn còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu. Báo Thanh tra chưa phát huy được vai trò của mình và chưa tạo được cầu nối vững bền, thông suốt giữa doanh nghiệp, người dân với cơ quan Nhà nước, với ngành Thanh tra trong các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Trên thực tế hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng diễn ra phổ biến ở nhiều cấp nhiều ngành; thực trạng khiếu nại, tố cáo của công dân còn diễn biến phức tạp; nhận thức pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyêt khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế đang là thách thức rất lớn đối với Báo thanh tra, đòi hỏi phải tăng cường quản lý, củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động và đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ Báo ThanhTra

Trong thời gian tới cần phải tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, Thanh tra Chính phủ tăng cường quản lý Nhà nước về báo chí để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền, bảo đảm đúng định hướng và phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước, của ngành Thanh tra trong tình hình mới. Trước yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 cùng với các nhiệm vụ trọng tâm trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với phòng, chống tham nhũng, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, thì vấn đề tăng cường công tác quản lý, phát huy vai trò của báo chí là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời đại mới. 

Trên cơ sở Luật báo chí 2016, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Kế hoạch định hướng của Bộ Thông tin truyền thông và yêu cầu nhiệm vụ, cần rà soát sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Báo Thanh tra theo hướng chuyên nghiệp, bộ máy tinh gọn, hiệu quả, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các Phòng, bộ phận; hoàn thiện các quy chế làm việc, quy trình nghiệp vụ xuất bản, phát hành quảng cáo; sửa đổi quy chế chi tiêu nội bộ và chấm nhuận bút, tăng mức nhuận bút đối với các bài viết có chất lượng cao.

Thứ hai, xây dựng và ban hành Đề án vị trí việc làm của Báo Thanh tra, bố trí, sắp xếp, củng cố kiện toàn tổ chức, bộ máy nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian trước mắt và lâu dài. Chủ động triển khai thực hiện tốt các chính sách cán bộ, nhất là trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, nâng ngạch viên chức, luân chuyển công chức, viên chức, tuyển dụng, tiếp nhận viên chức, người lao động; chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ và tăng biên chế cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quy định và Đề án vị trí việc làm, thực hiện sự phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường. Ban biên tập tăng cường chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, kiểm tra đánh giá hiệu quả hoạt động của các Phòng, bộ phận và phóng viên, biên tập viên, viên chức, người lao động, nhất là hoạt động xuất bản.

Thứ ba, nâng cấp giao diện, tốc độ Báo điện tử theo hướng hiện đại để theo kịp xu thế phát triển chung của Báo mạng. Tập trung nâng cao chất lượng tin, bài, bảo đảm thông tin chính xác, khách quan, kịp thời, có tác dụng định hướng dư luận hiểu rõ hơn về kết quả tích cực trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, xây dựng ngành thanh tra và những vấn đề dư luận quan tâm có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Thanh tra Chính phủ, của ngành thanh tra. Báo Thanh tra thể hiện vai trò tiên phong trong tuyên truyền pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ công chức, doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực này.

Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng các bài phê bình, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Thứ tư, tăng cường trách nhiệm của Ban biên tập, các phòng, bộ phận trong công tác tuyên truyền - xuất bản, nhất là khâu tổ chức thu thập thông tin, viết, biên tập tin, bài. Lãnh đạo các Phòng, bộ phận chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền dài hạn và thường kỳ trên Báo Thanh tra. Phóng viên bám sát địa bàn được phân công và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để đưa tin, viết bài kịp thời, bảo đảm tin bài cân đối giữa các vùng miền, lĩnh vực. Thực hiện tốt công tác biên tập tin bài, bảo đảm chặt chẽ, đúng tôn chỉ mục đích, định hướng tuyên truyền, không để xẩy ra sai sót. Đổi mới phương pháp tiến hành và cách thức tổ chức thực hiện xuất bản tin, bài, xác định rõ nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề. Đẩy mạnh công tác phát hành Báo Thanh tra đến bạn đọc, trước hết là đến các cơ quan quản lý nhà nước và Thanh tra Bộ, ngành, địa phương, có lộ trình cụ thể để tăng số lượng phát hành Báo Thanh tra.

Thứ năm, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp để tạo nguồn thu, nhất là từ hoạt động quảng cáo; quản lý chặt chẽ tài chính, tài sản theo quy định; chú trọng tăng doanh thu và tiết kiệm chi phí để bảo đảm cân đối được thu - chi và nâng cao đời sống cho công chức, viên chức và người lao động và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác.

Thứ sáu, thực hiện tốt công tác sinh hoạt đảng, đoàn thể, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, đoàn thể hoạt động hiệu quả. Tăng cường đoàn kết nội bộ, xây dựng Báo Thanh tra, Đảng bộ Báo Thanh tra trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức thành công các sự kiện như: ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11), Giải Cầu lông toàn quốc Báo Thanh tra thường niên...

Thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của Báo Thanh tra, có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng Báo Thanh tra thực sự trở thành cơ quan ngôn luận của Thanh tra Chính phủ và của ngành thanh tra trong thời gian tới.

TS. Trần Đăng Vinh

Q. Vụ trưởng phụ trách Báo Thanh tra