Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, ngày 20/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật PCTN năm 2018 thay thế Luật PCTN năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012). Luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019.

Theo Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm, phạm vi điều chỉnh của Luật được mở rộng đối với cả khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước; kiểm soát tài sản, thu nhập. 

Quốc hội giao cho TTCP xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật. Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo này sẽ là tiền đề xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định có chất lượng, hiệu quả, có tính khả thi, đồng bộ và đi vào cuộc sống. Mục tiêu là đáp ứng yêu cầu thực tế về phòng ngừa tham nhũng, cũng như tạo lập môi trường kinh doanh công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng nhấn mạnh tới 3 nhóm giải pháp, gồm: Chế độ cung cấp thông tin, chế độ báo cáo, các hình thức xử phạt hành vi tham nhũng.

Tại Hội thảo, bà Akiko Fujii, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian qua trong việc PCTN. 

Bà Akiko Fujii cho biết, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước PCTN của Liên Hợp Quốc năm 2009; sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017 bao gồm những thay đổi lớn trong chính sách xử lý hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng; và thông qua Luật PCTN mới vào năm 2018 với việc mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực tư nhân. Tất cả những nỗ lực này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu 16 của Chương trình Nghị sự 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức là một trong những chỉ số chính.


“Tham nhũng là một trong những cản trở lớn nhất trong quá trình tiến tới đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030. Mặc dù nhiều nước đã rất nỗ lực, ước tính hàng năm có khoảng 3,6 nghìn tỉ đô la sẽ bị thất thoát do tham nhũng. Đã đến lúc cần có những hành động quyết liệt hơn. Đây cũng là một trong những lý do Việt Nam được UNDP lựa chọn hỗ trợ thông qua Dự án Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng trong ASEAN do Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh tài trợ. Hội thảo này là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án”, bà Akiki Fujii nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Catherine Phuong, Trợ lý Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng, các quy định trong Luật hiện hành còn khá chung chung. Nghị định cần quy định rõ hành vi nào được phép và hành vi nào không được phép. Bên cạnh đó, Tổ Biên tập phải nghĩ ra được tất cả các trường hợp xảy ra trên thực tế và có những hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp hiểu rõ, tuân thủ, đặc biệt, phải có cơ chế để thực hiện quy định đó. 

“Hiện nay, các quốc gia trên thế giới cũng đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể trong bộ luật. Tại Pháp đã ban hành luật điều chỉnh, đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong trường hợp nào thì phải thực hiện ra sao; họ phải ứng xử như thế nào khi có đoàn thanh tra, kiểm tra; phạm vi thanh tra tới đâu? Hay tại Hàn Quốc đã có hình thức chuyển đổi tất cả các giao dịch tiền mặt sang điện tử, cho các công ty của họ sử dụng một loại thẻ tín dụng để tránh sử dụng tiền mặt vào các mục đích không lành mạnh như đi hộp đêm hay đi lừa đảo", bà Catherine Phuong  dẫn chứng.

Do vậy, theo bà Catherine Phuong, Tổ Biên tập cần xem xét, rà soát lại các quy định, từ đó đưa ra hướng dẫn cụ thể để đưa vào Nghị định này. Đồng thời, cụ thể các biện pháp thực hiện, trong trường hợp nào thì được tố giác, cần xuất trình những giấy tờ gì và tố giác tới cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào?

Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các bộ, ngành, các tổ chức và thanh tra các tỉnh/thành phố cũng đã tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến về các vấn đề như: Quy định cụ thể về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng bắt buộc áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, công ty đại chúng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (như công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý doanh nghiệp khi để xảy ra hành vi tham nhũng). 

Các quy định về thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về PCTN đối với tổ chức tín dụng, công ty đại chúng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để thực hiện.

Ngoài ra, các nhóm nội dung khác như về trách nhiệm giải trình, đánh giá công tác PCTN, thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức,đơn vị, việc chuyển đổi vị trí công tác, tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng, việc xử lý hành vi tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật khác về PCTN.

Phương Anh