Xét khiếu tố qua thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng

Trước những diễn biến phức tạp liên quan đến công tác khiếu tố, KN, ngay từ đầu năm 1976, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ có chủ trương toàn ngành phải đẩy mạnh việc xét, giải quyết đơn khiếu tố của nhân dân gắn với việc phục vụ các trọng tâm công tác của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là việc thực hiện các Nghị quyết số 228/BCT, Nghị quyết số 19/CP, Chỉ thị số 159/TTg, đồng thời chuẩn bị mọi mặt để triển khai việc thực hiện pháp luật về công tác xét khiếu tố. Tất cả các cơ quan Nhà nước từ TW đến cơ sở phải trả lời kịp thời và đầy đủ những vấn đề do nhân dân nêu ra. Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo toàn ngành tích cực giải quyết đơn thư khiếu tố.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, toàn ngành đã tập trung vào công tác xét đơn, qua đó phát hiện, ngăn chặn sửa chữa kịp thời một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng, giáo dục cán bộ về đạo đức, phẩm chất, tôn trọng pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Tháng 3/1977, hội nghị thanh tra toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức. Tại đây, công tác xét khiếu tố được nhấn mạnh như một trong những nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm của ngành Thanh tra, trong đó “phải nắm lấy việc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các ngành, các cấp để đẩy mạnh việc xét khiếu tố của nhân dân”.

Cũng từ đây, ngành Thanh tra được giao nhiệm vụ điều động một bộ phận cán bộ tham gia với các ngành tập trung thanh tra trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội kết hợp giải quyết khiếu tố.

Đến năm 1978, Chính phủ chính thức giao cho Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra giúp Trung ương và Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 228 của Bộ Chính trị. Như vậy, trọng tâm công tác của ngành, từ chỗ thực hiện các chức năng thanh tra thường xuyên và xét khiếu tố nói chung, nay được chuyển sang công tác thanh tra và xét khiếu tố nhằm góp phần vào mặt trận đấu tranh chống tiêu cực theo Nghị quyết 228 của Bộ Chính trị.

Lúc này, các hiện tượng, vụ việc tiêu cực theo như đơn thư phản ánh ngày càng có chiều hướng gia tăng. Nội dung đơn thư của quần chúng chủ yếu tập trung tố cáo các hành vi tham ô, thoái hoá, biến chất, làm ăn phi pháp, gây lãng phí của công, của tập thể của một số cán bộ có chức, có quyền hay tranh chấp về nhà đất cũng diễn ra khá gay gắt…

Trong bối cảnh tiêu cực về kinh tế, xã hội đầy biến động, từ ngày 19- 23/12/1978, hội nghị tổng kết công tác khiếu tố các tỉnh phía Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với sự tham dự của gần 200 đại biểu thuộc 20 tỉnh, thành, quân khu và các cơ quan báo chí. Hội nghị đã tổng kết công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu tố, khiếu nại. Kết quả cho thấy, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ đã kết hợp với các ngành giải quyết được hàng chục ngàn đơn khiếu tố; tổ chức tiếp hàng ngàn lượt người trực tiếp đến KN, tố cáo. Qua đó, góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết của quần chúng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với cơ quan, chính quyền Nhà nước; đồng thời giúp cho các cấp lãnh đạo thấy được những tồn tại, thiếu sót để kịp thời khắc phục và nâng cao trách nhiệm xét, giải quyết đơn thư KN, TC.

Coi đơn thư khiếu tố là nguồn thông tin phản ánh

Trong giai đoạn 1979 - 1983, với việc xác định chống tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ đã nhận thức rõ vị trí quan trọng của công tác xét và giải quyết các đơn thư khiếu tố của nhân dân. Trên cơ sở đó, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ đã ra nhiều văn bản hướng dẫn công tác xét và giải quyết đơn thư khiếu tố của toàn ngành. Trong đó tập trung thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng.

Từ những kinh nghiệm đã tích luỹ được trong lĩnh vực này, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ luôn lưu ý các cấp, các ngành phải coi những đơn thư khiếu tố của nhân dân là nguồn thông tin phản ánh tương đối chính xác, kịp thời những hành vi sai trái của cán bộ quản lý chính quyền, quản lý kinh tế; cần coi trọng những thông tin, tư liệu có tính chất thời sự này để phục vụ cho nhiệm vụ chống tiêu cực nói chung và công tác xét giải quyết khiếu tố nói riêng.

Những kết quả đã đạt được trong công tác thanh tra và các đề xuất của Uỷ ban Thanh tra trở thành cơ sở nền tảng cho Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh Quy định việc xét và giải quyết các KN,TC của công dân. Việc ban hành pháp lệnh ở thời điểm này có ý nghĩa rất to lớn, vì đây là lần đầu tiên quyền và nghĩa vụ của công dân trong KN,TC đối với các cơ quan Nhà nước được xác định trong một văn bản pháp lý riêng.

Có thể nói, giai đoạn từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX là chặng đường đi lên đầy khó khăn thử thách đối với ngành Thanh tra Việt Nam. Ngành Thanh tra vừa phải đảm nhận và hoàn thành những trọng trách lớn lao, nặng nề trong việc thể hiện “là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, vừa đổi mới, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và lực lượng đội ngũ thanh tra. Được Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm, ngành Thanh tra đã xác định đúng chức năng, vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của mình, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhìn chung hiệu lực của công tác thanh tra cho đến lúc này vẫn còn hạn chế, hoạt động của hệ thống các cơ quan thanh tra còn phụ thuộc và bị động trước các cấp chính quyền, còn có sự chồng chéo giữa thanh tra chuyên trách và thanh tra ngành.

Tuy nhiên, những hoạt động phong phú đa dạng và những thành tích mà ngành Thanh tra đạt được trong thời gian này không chỉ có tác dụng quan trọng, góp phần trực tiếp đối với việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, giữ gìn pháp luật Nhà nước, tăng cường trách nhiệm quản lý kinh tế, quản lý xã hội của bộ máy Nhà nước, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, mà thông qua những báo cáo và kiến nghị cụ thể đã góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới tư duy của Đảng và các cơ quan Nhà nước các cấp.

Kỳ VI: Đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế

Phương Hiếu (Ghi)