Cùng với tiến trình đó, trên cơ sở nhận thức về sự cần thiết của công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là do đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề cấp bách của quần chúng nhân dân đối với chính quyền cách mạng, tại nhiều địa phương, cấp uỷ và UBND tỉnh, thành phố cũng bắt đầu coi trọng. Hệ thống các cơ quan thanh tra của Chính phủ từ Trung ương đến các tỉnh đã được thiết lập trong cả nước, góp phần cùng cả nước hoàn thành thống nhất về mặt Nhà nước. Việc thiết lập hệ thống các cơ quan thanh tra từ Trung ương đến các tỉnh đã tạo điều kiện cho ngành thanh tra nhanh chóng triển khai tổ chức đến tận các cấp cơ sở.

Để tăng cường công tác thanh tra chuyên trách, theo sự chỉ đạo của Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ, ở nhiều địa phương (nhất là ở các tỉnh Nam Bộ cũ), cấp uỷ và chính quyền đã phân công một đồng chí thường vụ hay tỉnh uỷ viên, thành uỷ viên là thành viên của UBND tỉnh, thành trực tiếp chuyên trách làm Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra.

Tại TP Hồ Chí Minh, vào thời điểm này do còn có nhiều vấn đề về quan hệ giữa nhân dân và quân đội, giữa các cơ quan và các đơn vị quân đội cần được giải quyết, thành uỷ đã quyết định cử một đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân sự TP tham gia làm uỷ viên kiêm nhiệm trong Uỷ ban Thanh tra TP. Chính sự quan tâm của cấp uỷ và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng lực lượng và tổ chức hoạt động của ngành Thanh tra ở các cấp.

Sau khi hoàn tất quá trình thống nhất về mặt Nhà nước, Tổ quốc Việt Nam bước sang một thời kỳ mới trong tiến trình phát triển của mình. Để đất nước thực sự có bước chuyển tiếp mạnh mẽ, bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực tiễn đòi hỏi phải nhanh chóng đề ra đường lối cách mạng trong giai đoạn mới phù hợp với tình hình trong nước và thế giới lúc này.

Trước tình hình khó khăn, phức tạp kéo dài, Đảng và Nhà nước đã ra nhiều Chỉ thị, Nghị quyết nhằm ngăn chặn, hạn chế và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của ngành Thanh tra đầy khó khăn phức tạp này. Song, nhiệm vụ này mới chỉ “góp phần”, chưa trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thanh tra.

Lúc này, hệ thống thanh tra nhân dân, thanh tra công nhân, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ từng bước củng cố bộ máy và phát triển đội ngũ thanh tra chuyên trách. Tại các tỉnh miền Nam, do đặc điểm chung về nhân sự trong bộ máy chính quyền vừa được thiết lập sau ngày giải phóng, lực lượng cán bộ thanh tra nói chung là thiếu về số lượng và còn yếu về năng lực chuyên môn. Trong khi đó, công tác thanh tra không những đòi hỏi một đội ngũ cán bộ có phẩm chất cách mạng, có lập trường quan điểm vững vàng, mà còn phải có nghiệp vụ chuyên môn giỏi, thậm chí trong nhiều lĩnh vực, vụ việc đòi hỏi phải có những cán bộ có trình độ kiến thức sâu, nắm vững những kiến thức chuyên ngành, đặc biệt là kiến thức về quản lý kinh tế - xã hội, về pháp luật...

Trước tình hình trên, ngay từ hội nghị công tác thanh tra toàn quốc lần đầu tiên năm 1977, Uỷ ban Thanh tra đã đề ra phương hướng và nhiệm vụ là cùng với việc phổ biến, quán triệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ là việc thực hiện thông tư quy định và hướng dẫn trong toàn ngành, kiện toàn một bước bộ máy thanh tra chuyên trách các cấp, các ngành, khẩn trương xây dựng quy hoạch dài hạn cũng như kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra một cách có hệ thống và xây dựng tiêu chuẩn cán bộ thanh tra.

Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ chủ động mở lớp đào tạo giảng viên, đồng thời phối hợp với các địa phương mở lớp huấn luyện cho từng khu vực; chuẩn bị nội dung và điều kiện để tiến tới mở lớp đào tạo dài ngày cho cán bộ toàn ngành.

Ngoài ra, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ còn quan tâm chỉ đạo việc rút kinh nghiệm công tác thực tế, mở các hội nghị rút kinh nghiệm riêng cho các tỉnh, khu vực khác nhau.

Với phương châm vừa bồi dưỡng, đào tạo qua lớp học, vừa đào tạo qua thực tế công tác, kết hợp giữa đào tạo với công tác củng cố và phát triển đội ngũ, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Uỷ ban Thanh tra, lực lượng thanh tra từ sau khi có Thông tri số 44 và Nghị quyết Trung ương 6 đã được tăng cường và củng cố một bước. Nhờ vậy, tính đến giữa năm 1982, tổng số cán bộ công nhân viên trong biên chế của hệ thống các cơ quan thanh tra chuyên trách lên tới 5.811 người, trong đó: Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ có 240 người, 40 uỷ ban thanh tra tỉnh, thành có 1.936 người, 450 ban thanh tra huyện, thị xã có 1.635 người, 36 ban thanh tra bộ, tổng cục có 400 người và 1.185 ty, sở có 2.500 người.

Mặc dù về biên chế, số lượng cán bộ như trên chưa đủ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác thanh tra, nhưng đây thực sự là lực lượng nòng cốt để ngành Thanh tra vươn lên, cùng hệ thống thanh tra nhân dân, thanh tra công nhân hoàn thành trọng trách nặng nề mà Đảng và Nhà nước giao phó trong tình hình mới.

Bên cạnh lực lượng thanh tra chuyên trách, từ đầu năm 1976, Đảng và Chính phủ chủ trương thiết lập tổ chức thanh tra nhân dân tại các cơ sở nhằm kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra của Chính phủ và hoạt động kiểm tra, thanh tra của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ tập thể trong việc kiểm tra, giám sát các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, các hợp tác xã trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, trật tự và đời sống.

Nhờ sự cố gắng và nỗ lực vượt bậc, lực lượng thanh tra nhân dân đã phát triển nhanh chóng với hàng ngàn ban thanh tra nhân dân tại cơ sở xã, phường, xí nghiệp, cửa hàng, trường học, bệnh viện... với hàng vạn cán bộ làm công tác thanh tra. Tính đến cuối năm 1978, ngoài hệ thống các cơ quan thanh tra chuyên trách từ Trung ương đến các địa phương, ban ngành, đã xây dựng được 12.640 ban thanh tra nhân dân với 239.300 cán bộ.

Hệ thống thanh tra nhân dân đã góp phần phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Mặt khác, thông qua đó, ngành Thanh tra có điều kiện phối hợp công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo nhiều chiều, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, kết hợp giữa công tác thanh tra chuyên trách với việc giám sát, kiểm tra của đông đảo quần chúng từ các cơ sở.

Kỳ IV: Hoạt động thanh tra trên các lĩnh vực

Phương Hiếu (Ghi)