Ngày được nhận tiền hỗ trợ cũng là ngày chủ nợ tìm đến

Đó là trường hợp bà Ba Vàng (Nguyễn Thị Vàng, 78 tuổi, quê ở Kiên Giang).

Năm 1970, mảnh đất gia đình bà khai hoang vỡ hóa đang làm ăn ổn định bị chính quyền tỉnh Kiên Giang thu hồi. Đến năm 1976, bà Vàng bắt đầu đi thưa kiện.

Ở Kiên Giang, không cổng cơ quan công quyền nào không có dấu chân bà nhưng vẫn không được xem xét giải quyết.

Ra tới T.Ư, Trụ sở TCD T.Ư ở đâu, bà Ba Vàng có mặt ở đó. Từ số 1 đường Mai Xuân Thưởng, quận Tây Hồ đến 110 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy rồi sang số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, đâu đâu cũng in dấu chân bà. Do phải lưu trú ở Hà Nội lâu ngày, không có tiền để thuê nhà trọ, nên vỉa hè hay vườn hoa thường là nơi trú chân của bà. 

Sau hơn 40 năm vật lộn từ địa phương đến T.Ư, và sau rất nhiều chỉ đạo của T.Ư, năm 2014, cuối cùng bà cũng được UBND tỉnh Kiên Giang đồng ý hỗ trợ thêm 1,8 tỷ đồng vì là gia đình có công với cách mạng, thuộc diện khó khăn. 

Tréo ngoe thay, ngày được nhận tiền hỗ trợ cũng là ngày bà tay trắng hoàn trắng tay. Vừa nhận tiền ra đến cổng cơ quan huyện thì các chủ nợ đã đợi ngay ở cổng để đòi tiền. Số nợ suốt 40 năm vay để đi khiếu kiện cả gốc và lãi lên tới con số hàng tỉ đồng. 1,8 tỷ đồng nhận được không thấm vào đâu với số nợ ấy. Bà cũng chỉ trả được cho một số người, số còn lại bà phải khất nợ. Khi về đến nhà, bà chỉ còn dư một số tiền mua cho 9 người con mỗi người vài bao gạo.

Số tiền được hỗ trợ không thấm gì với thời gian, công sức bỏ ra sau 40 năm, nhưng đã phần nào giúp bà hiểu rằng đâu đó còn có những cán bộ biết thương dân, vẫn còn niềm tin vào công lý.

Cũng giống như bà Vàng, bà Thạch Thị Phúc, trú tại khóm 5, phường 8, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, là người dân tộc Khơ-me, hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng cũng phải đằng đẵng theo đuổi và khiếu nại (KN) chính quyền tỉnh suốt 14 năm trời.

Bà Phúc may mắn có mặt trong buổi tiếp dân định kỳ của Tổng Thanh tra lúc bấy giờ là ông Huỳnh Phong Tranh. Vừa gặp Tổng Thanh tra, bà Phúc đã khóc nức nở trình bày khiếu nại (KN) việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất của gia đình từ năm 2000 không đúng để thực hiện xây dựng Tượng đài “Toàn dân nổi dậy đoàn kết lập công”. 

Chia sẻ tại buổi tiếp dân, bà Phúc cho biết, bản thân không biết chữ, gia đình nghèo đến mức không có gạo để nấu cơm, vậy mà chính quyền lấy đất lại không đền bù thỏa đáng, cũng không hỗ trợ nơi ở tái định cư khiến gia đình bị đẩy vào cảnh khó khăn cùng cực, không còn bất cứ nơi nào để sống. 

Theo bà Phúc, năm 2000, Nhà nước thu hồi nhà của gia đình và “bắt ép” nhận 6,4 triệu đồng, bắt gia đình rời nhà cửa, không cấp nhà tái định cư, giá bồi thường đất lại không thỏa đáng. Vì vậy, bà Phúc đã KN khắp các cấp chính quyền những mong giải quyết sự bức xúc của mình nhưng đều không được chấp nhận.

14 năm trời ròng rã KN khắp tỉnh Trà Vinh, nhưng tất cả KN của bà Phúc đều không được chấp nhận, đều bị lơ đi.

Sau một thời gian ăn trực nằm chờ ngoài vỉa hè ở Trụ sở TCD T.Ư, bà đã được Tổng Thanh tra tiếp. Sau khi nghe bà Phúc trình bày sự việc, Tổng Thanh tra nhận định, công tác thu hồi đất để xây dựng tượng đài của tỉnh Trà Vinh nhằm xây dựng công trình văn hóa công cộng phục vụ cho dân sinh, chỉnh trang đô thị nên việc thu hồi này là đúng mục đích. Tổng Thanh tra yêu cầu tỉnh cần rút kinh nghiệm khi giải quyết vấn đề của dân mà lại không có quyết định thu hồi đất; không có quyết định bồi hoàn; không có biên bản họp các hộ dân… Chính vì vậy, chính quyền tỉnh Trà Vinh phải có trách nhiệm giải quyết vụ việc của bà Phúc. Tổng Thanh tra giao Cục III tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh rà soát lại quá trình giải quyết, thu hồi đất, quá trình ra văn bản để ra quyết định giải quyết.

14 năm KN được bồi thường gần 5,3 tỷ đồng

Đây là số tiền được bồi thường sau gần 14 năm ròng ông Phan Văn Bình (sau này ủy quyền cho con gái là bà Phan Thị Kim Phụng) ngụ xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, KN do bị thu hồi đất không đúng quy định.

Liên quan đến KN của bà Phụng, năm 2013, Báo Thanh tra đã có loạt bài phản ánh về dự án (D.A) khu dân cư và chợ mới thị tứ Trường Xuân, huyện Tháp Mười, có nhiều khuất tất và sai phạm nghiêm trọng về việc thu hồi, đền bù đất cho các hộ dân liên quan.  

Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 652/QĐ-TTg thu hồi 9,8 ha đất ở xã Trường Xuân để xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư và chợ mới thị tứ Trường Xuân. Căn cứ vào quy hoạch của UBND tỉnh, chính quyền địa phương tiến hành thu hồi hàng loạt diện tích đất của các hộ dân để mở rộng D.A, riêng hộ ông Phan Văn Bình bị thu hồi 11.200m2 một cách oan uổng. 

Trong khi KN chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật thì ngày 14/6/2000, Ban Quản lý D.A cử tổ công tác đến phần đất của ông Bình đo đạc, cắm cọc, căng dây để giao đất cho đơn vị thi công. Con gái ông Bình là Phan Thị Tuyết Loan và Phan Thị Kim Phụng do bức xúc đã ra ngăn cản, nhổ cọc, cuộn dây, liền bị lực lượng công an còng tay, áp giải về trụ sở và bị khởi tố, bắt giam về hành vi chống người thi hành công vụ.

 

Bà Thạch Thị Phúc không giấu được những giọt nước mắt khi là người may mắn được Tổng Thanh tra tiếp trong buổi tiếp dân định kỳ của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Ảnh: PH

 

Không đồng tình với việc các cơ quan chức năng của huyện Tháp Mười và tỉnh Đồng Tháp chưa dám nhìn thẳng vào sự thật để sửa sai nên chị em Phụng, Loan nhiều năm phải ăn trực nằm chờ ở Hà Nội để gõ cửa các cơ quan T.Ư kêu cứu.

Và, việc gì phải đến đã đến. Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn của Phan Thị Kim Phụng đến Thanh tra Chính phủ để kiểm tra, rà soát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức tiếp và đối thoại với công dân để làm rõ vụ việc.

Trong buổi đối thoại với bà Phụng, sau xem xét toàn bộ hồ sơ tài liệu, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan xác định phần đất của gia đình ông Phan Văn Bình nằm ngoài quy hoạch. KN của gia đình ông Phan Văn Bình là hoàn toàn có cơ sở.

Ngay sau đó, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười Ngô Văn Nâu đã ký Quyết định số 525/QĐ-UBND về việc bồi thường, hỗ trợ do thu hồi đất đối với hộ ông Bình với tổng số tiền gần 5,3 tỷ đồng và giao 7 nền nhà tái định cư không thu tiền đất, thuộc khu dân cư trung tâm thương mại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Nhắc đến bà Phúc, bà Vàng, chị em Loan - Phụng, hay những công dân khác nữa, Trưởng Ban TCD T.Ư Nguyễn Hồng Điệp như không giấu nổi xúc động. Ông cho biết, các công dân trên chỉ là số ít trong số những người được minh oan, trả lại danh dự sau rất nhiều năm khiếu kiện. Họ đều là người nghèo khổ và hiền lành. Đi khiếu kiện lâu năm nhưng luôn chấp hành các chủ trương của Đảng và Nhà nước, không gây rối trật tự nơi công sở. Để có kinh phí đi khắp nơi khiếu kiện, họ đã phải chạy vạy khắp nơi vay mượn làm lộ phí. “Số tiền được đền bù, hỗ trợ không đáng là bao so với công sức họ bỏ ra, nhưng tôi tin, họ vui vì danh dự của họ được trả lại và KN của họ là đúng”, ông Điệp chia sẻ.

Kỳ III: Nhiều vụ việc được Tổng Thanh tra tiếp đã có kết quả

Phương Hiếu