Ngày 6/5, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái tiếp công dân 2 vụ đông người, phức tạp, thường xuyên KN,TC, kiến nghị, phản ánh gay gắt tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương.

Lắng nghe, xem xét giải quyết nghiêm túc

Đầu tiên là vụ liên quan đến dự án xây dựng đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, có chiều dài 2.274m, với tổng mức đầu tư khoảng 7.779 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư mỗi mét chiều dài tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục lên đến hơn 3,4 tỷ đồng.

Theo Ban Tiếp công dân Trung ương, trong quá trình thực hiện dự án này, có 3 nhóm công dân gửi đơn thư KN,TC.

Nhóm 1 là các ông, bà: Hồ Thị Minh Lương, Trần Viết Bé cùng 200 công dân đại diện cho 600 hộ dân thuộc các phường Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình).

Tại buổi tiếp, các hộ dân bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương thu hồi đất để làm đường theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 1999. Tuy nhiên, đề nghị xem xét lại bản đồ quy hoạch, chỉ giới đường đỏ; đơn giá bồi thường, hỗ trợ…

Nhóm 2 là một số công dân đại diện cho 140 hộ dân ở đường La Thành (phường Ô Chợ Dừa).

Bà Phạm Thị Ngà, đại diện nhóm 2 trình bày quan điểm, không nhất trí với chủ trương thu hồi đất của 140 hộ dân có vị trí nằm trên dải đất giữa đường vành đai 1 và đường La Thành, đoạn Hoàng Cầu - Láng Hạ, để xây dựng bãi đỗ xe, cây xanh khi thực hiện dự án.

Còn nhóm 3 là các hộ dân có địa chỉ từ số nhà 824 đường La Thành đến số nhà 45 phố Nguyễn Chí Thanh.

Theo các quyết định của Thủ tướng, UBND TP Hà Nội, thì mặt cắt đường vành đai 1 chỉ rộng 50m chứ không phải là 71m như thực tế thu hồi, nên các hộ không đồng tình. Hơn nữa, việc thu hồi đất của các hộ dân không phải để xây dựng đường vành đai 1 mà sử dụng để xây dựng bãi đỗ xe, đường gom, làm dịch vụ…

Ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho hay, quá trình triển khai thực hiện dự án, hội đồng giải phóng mặt bằng đã thực hiện đúng quy định, có sự tham gia đại diện của các hộ dân (do nhân dân bỏ phiếu kín bầu).

“Chúng tôi công khai, minh bạch toàn bộ chủ trương, chính sách, văn bản”, ông Bình khẳng định và thông tin, bản thân ông đã tiếp, đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân 2 lần. Từ đó, quận đã có văn bản báo cáo TP 3 việc về quy hoạch, giá đất và giá nhà ở. Lãnh đạo quận Ba Đình cũng nhấn mạnh, nếu cán bộ nào có “lời ăn, tiếng nói” chưa đúng với người dân thì ông sẽ kiểm tra, xử lý.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình

Chia sẻ với những bức xúc của các hộ dân đang sống trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án, theo Tổng Thanh tra, đường vành đai 1 có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển của Thủ đô. Nhưng khi triển khai, nhiều bà con chưa đồng thuận, kể cả về chủ trương, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện.

“Buổi tiếp dân là dịp các sở, ban, ngành, lãnh đạo 2 quận Ba Đình, Đống Đa và UBND TP lắng nghe hết các ý kiến phản ánh của bà con để ghi nhận, xem xét một cách nghiêm túc”, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nói và đề nghị Hà Nội công khai căn cứ pháp lý, cơ sở tiến hành quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch để người dân biết.

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nêu rõ, phải công khai, minh bạch, khách quan, rõ ràng mới tạo được sự đồng thuận trong dân.

Về một số nguyện vọng, bức xúc của người dân, theo Tổng Thanh tra, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ, báo cáo lại cấp có thẩm quyền cái nào làm, cái nào không làm được trên cơ sở căn cứ vào pháp luật và thực tế.

“Tôi đề nghị, Hà Nội đối thoại theo từng nhóm, từng nội dung, công khai những nội dung liên quan đến pháp luật, đến hồ sơ, liên quan đến thực tế để bà con nắm, thống nhất ủng hộ chủ trương làm đường vành đai 1”, Tổng Thanh tra nói.

Cùng với đó, tiếp nhận và xử lý đơn theo đúng quy định của luật; rà soát, kiểm tra, thậm chí thanh tra khi cần, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định.

Tháng 7 phải báo cáo kết quả giải quyết 2 vụ “nóng”

Vụ “nóng” thứ 2 được Tổng Thanh tra tiếp liên quan đến việc UBND huyện Hoài Đức thu hồi hơn 27.700m2 đất để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật điểm công nghiệp Di Trạch và gần 60.000m2 đất để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ tại xã Di Trạch.

Đây là vụ KN,TC kéo dài, UBND TP Hà Nội đã giải quyết một số nội dung, nhưng người dân chưa đồng tình.

Tại buổi tiếp, bà Nguyễn Thị Hoàn cho rằng, việc thu hồi đất thực hiện các dự án trên là không đúng quy định. Như dự án điểm công nghiệp Di Trạch, UBND huyện chỉ ban hành quyết định thu hồi tổng thể 196 hộ dân mà không có quyết định thu hồi đất của từng hộ, gây khó khăn cho công dân khi thực hiện quyền KN.

Ngoài ra, bà Hoàn và một số người dân huyện Hoài Đức còn trình bày các nội dung KN,TC mới liên quan đến việc cấp “sổ đỏ”, thu tiền và giao đất dịch vụ, lấy đất quy hoạch làm trường học để giao làm nhà ở…

Tiếp thu các ý kiến, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu, sau buổi tiếp dân, nội dung nào thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của huyện Hoài Đức thì huyện phải trả lời bằng quyết định. Nội dung nào huyện trả lời mà người dân chưa đồng ý thì Thanh tra TP thụ lý, trình TP quyết định. Còn nội dung nào mà TP đã trả lời, người dân không đồng tình thì đề nghị khởi kiện ra tòa theo luật định.

“Quá trình thực hiện, thu hồi đất, có điều gì chưa đúng, bất cập, chưa rõ thì trách nhiệm của TP Hà Nội và huyện Hoài Đức sẽ xem xét, giải quyết để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân và bảo đảm quyền lợi an sinh xã hội cho nhân dân”, ông Hùng nói và đề nghị người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan của TP để giải quyết.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội “hứa”, tất cả các kiến nghị, phản ánh, KN,TC của người dân trong 2 vụ “nóng”, TP sẽ có xem xét, giải quyết triệt để, thấu đáo, có lý, có tình, trên cơ sở quy định của pháp luật.

Theo Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp, các nội dung KN,TC đã được UBND TP giải quyết lần 2, nhưng người dân chưa đồng tình, thì đề nghị Hà Nội kiểm tra, rà soát lại. Còn nội dung nào mới phát sinh, đề nghị công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền Hà Nội để thụ lý giải quyết.

Tổng Thanh tra lưu ý, đây là vụ KN,TC kéo dài, nhiều nội dung, trải qua thời gian dài. Theo Tổng Thanh tra, nội dung KN,TC huyện đã giải quyết lần 1, TP giải quyết lần 2, nếu không có tình tiết mới, căn cứ mới hay có nội dung trái pháp luật thì không giải quyết lại. Nếu người dân không đồng tình với quyết định giải quyết thì khởi kiện ra tòa.

“Tuy nhiên, qua buổi tiếp dân tôi thấy, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, huyện Hoài Đức nói có, bà con lại bảo không, vậy thì như thế nào? Giao Cục I, Ban Tiếp công dân Trung ương rà soát lại, nếu có tình tiết mới thì kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật”, Tổng Thanh tra nêu rõ.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh một lần nữa, cả 2 vụ việc đều đang thuộc thẩm quyền giải quyết của TP Hà Nội. Đề nghị Hà Nội tập trung giải quyết, trả lời các kiến nghị, KN,TC của người dân. Trong tháng 7, phải báo cáo về Thanh tra Chính phủ kết quả 2 vụ KN,TC trên.

Tổng Thanh tra cũng giao Cục I, Ban Tiếp Công dân Trung ương theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Hà Nội, khi có vấn đề báo cáo Tổng Thanh tra để báo cáo Thủ tướng.

Lắng nghe các ý kiến của người dân, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái đề nghị, gửi đơn thư đến đúng địa chỉ, đúng cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

“Gửi không đúng địa chỉ, mà treo băng rôn, gửi đơn lên Trung ương, kể cả gặp Tổng Thanh tra thì tôi cũng không có thẩm quyền giải quyết, mặc dù nhìn tình hình như thế cũng rất là lo, rất là chia sẻ và cũng rất là buồn”, ông Lê Minh Khái nói.

Một lần nữa, Tổng Thanh tra đề nghị, người dân tôn trọng, thực hiện theo Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. “Còn vấn đề gì làm không đúng luật, thuộc chức năng, thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ hay Thủ tướng chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra, kiến nghị các cơ quan khác thực hiện theo luật”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Hương Giang