Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho biết, Thanh tra Chính phủ và Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam đã thực hiện ký hợp đồng tài trợ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam rà soát để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về chống tham nhũng trong kinh doanh ở Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng minh bạch, bền vững nhằm giúp Thanh tra Chính phủ xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về PCTN.

Một trong các hoạt động trong khuôn khổ dự án là thực hiện các báo cáo nghiên cứu rà soát, đánh giá pháp luật về PCTN trong kinh doanh cũng như nghiên cứu những kinh nghiệm lập pháp có giá trị tham khảo của nước ngoài nhằm hoàn thiện pháp luật về PCTN xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính. Đến nay, sau nửa năm tích cực triển khai, dự án đang dần đi tới giai đoạn kết thúc.

Tại hội thảo, đại diện nhóm tư vấn trong nước trình bày Dự thảo Báo cáo nghiên cứu về “PCTN trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam: Thực trạng pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo Luật PCTN (sửa đổi)”.

Dự thảo Báo cáo nghiên cứu gồm 4 chương nêu lên các vấn đề về PCTN trong kinh doanh như liêm chính với vấn đề PCTN trong kinh doanh, thực trạng về pháp luật về PCTN ở Việt Nam hiện nay, kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia, những đề xuất hoàn thiện pháp luật  về PCTN đảm bảo liêm chính trong kinh doanh.

Theo nghiên cứu, khái niệm tham nhũng tư không còn quá xa lạ trên các diễn đàn quốc tế và nhận được sự quan tâm của cả những tổ chức quốc tế có uy tín cũng như các nhà nghiên cứu. Đồng thời, PCTN trước hết là nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp, bởi lẽ tham nhũng gây ra chi phí rất cao cho bản thân cá nhân và doanh nghiệp bên cạnh các tổn thất khác cho Nhà nước và thị trường.

Nhà nghiên cứu cũng thử phân chia hành vi tham nhũng trong lĩnh vực kinh doanh thành 3 loại, tham nhũng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, tham nhũng cầu kết doanh nghiệp, tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp.

Do những tác hại trực tiếp mà tham nhũng gây ra cho doanh nghiệp cho nên rất nhiều doanh nghiệp quốc tế đã tuyên chiến với tham nhũng và tự xây dựng nhiều hệ thống nhằm đấu tranh chống tham nhũng. Các cơ chế, biện pháp mà doanh nghiệp tự xây dựng thuộc 2 nhóm chính gồm cơ chế phòng ngừa rủi ro tham nhũng và cơ chế ứng phó với các tình huống tham nhũng đã diễn ra.

Báo cáo lần này chỉ ra rằng, tại Việt Nam, những năm gần đây, vấn đề tham nhũng trong hoạt động của doanh nghiệp nói chung và giữa các doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng đã bước đầu nhận được sự chú ý. Tuy nhiên, hiện tượng tham nhũng trong kinh doanh của khu vực ngoài Nhà nước chưa thực sự nhận được sự quan tâm thỏa đáng.

Theo đó, hình thức tham nhũng phổ biến trong khối doanh nghiệp với nhau chủ yếu vẫn là tiền từ việc “lại quả” theo giá trị hợp đồng. Hình thức này cũng được ghi nhận nhiều như một thông lệ trong giao dịch, làm ăn, để giữ mối quan hệ hay thúc đẩy các hoạt động khác như thanh toán, giao nhận hàng, dịch vụ…

Qua nghiên cứu cho thấy, vấn đề PCTN ở khu vực ngoài Nhà nước hiện chưa phải là mối quan tâm lớn của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, Luật chưa yêu cầu có quy tắc ứng xử của bộ phận quản lý, điều hành công ty. Cơ chế kiểm soát nội bộ của đơn vị chưa gắn với vấn đề PCTN nội bộ. Kiểm toán độc lập và công khai, minh bạch thông tin cũng chưa được quy định rõ ràng với doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Nhìn chung, khái niệm tham nhũng trong kinh doanh của khu vực ngoài Nhà nước vẫn còn khá xa lạ với quy định pháp luật về PCTN. Những quy định còn tản mát, chưa thể hiện đúng bản chất của hiện tượng này ở Luật PCTN và một số quy định pháp luật khác, cũng như chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.

Sau khi lắng nghe nhóm tư vấn trình bày toàn bộ báo cáo nghiên cứu, nhiều chuyên gia của UNIDO, UNDP, VCCI, Bộ Tư pháp, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cùng các đại diện bộ, ngành, địa phương tiến hành thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến về thực trạng pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi).

Hoàng Long