Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp Nhà nước đã và đang thể hiện được vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước cũng còn nhiều bất cập, hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều doanh nghiệp Nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. 

Cơ chế quản trị doanh nghiệp Nhà nước chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế, còn có tình trạng tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, dẫn đến nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn. 

Nhiều vụ việc tham nhũng lớn được phát hiện và xử lý trong thời gian gần đây đã cho thấy điều này. 

Trước đó, để tăng cường quản lý đối với doanh nghiệp Nhà nước, ngày 3/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước. Nghị quyết chỉ rõ: “Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan quản lý Nhà nước không cao. Tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc chủ trương của Đảng, vi phạm pháp luật, rủi ro, yếu kém, thua lỗ trong doanh nghiệp Nhà nước không được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh”. 

Báo cáo chi tiết những vấn đề cần xin ý kiến tại hội thảo, TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra - đơn vị thường trực giúp việc Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Đề án, chia sẻ: Tên gọi của Đề án là việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp Nhà nước cũng cần phải xác định gắn liền với kênh kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. 

Với tinh thần đó, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra dự kiến sẽ tập trung giải quyết 2 trục nội dung chính: Làm rõ cơ chế và giải pháp kiểm soát từ bên ngoài (thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát) đối với doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, làm rõ cơ chế và giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát nội bộ bên trong doanh nghiệp Nhà nước. 

"Cả 2 trục nội dung này đều hướng đến mục tiêu chung là phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp Nhà nước. Đây là nội dung mà đơn vị chủ trì thấy rằng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định cách tiếp cận để xây dựng đề cương chi tiết của Đề án", ông Nguyễn Quốc Văn khẳng định.

Đơn vị chủ trì dự kiến Đề án có kết cấu gồm 5 phần, với các nội dung chủ yếu: Bối cảnh tình hình; mục tiêu, yêu cầu của Đề án; quan điểm; nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện. 

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến về một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc xây dựng Đề án, như: Thống nhất nhận thức về yêu cầu của Đề án và cho ý kiến về tên gọi của Đề án; về hình thức pháp lý, mục tiêu, cơ cấu nội dung Đề án; xác định những vấn đề quan trọng mà Đề án tập trung giải quyết (đề án gồm mấy phần? nội dung trọng tâm của từng phần là gì?...); về cách thức triển khai xây dựng Đề án. 

Ông Vũ Hồng Hải, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đánh giá rất cao nội dung chuẩn bị, trong bối cảnh hiện nay, khi xây dựng Đề án này đưa vào thực tiễn là chắc chắn sẽ áp dụng cho thời điểm phát triển kinh tế xã hội giai đoạn sau, làm để lúc xong Đề án là thích ứng ngay. 

Theo ông Hải, Đề án cần tiếp cận trên tinh thần Nghị quyết 97 của Chính phủ, tái cơ cấu thì thanh tra, kiểm tra, kiểm soát như thế nào? Mục tiêu lớn nên thống kê, hệ thống lại, làm những gì còn thiếu để hạn chế chồng chéo những nội dung đã từng nghiên cứu. 

Trong Đề án cần đặt ra kinh nghiệm quốc tế của các nước; khung khổ pháp lý, chủ thể, đối tượng, phương thức của thanh tra, kiểm tra, giám sát... từ kinh nghiệm quốc tế sẽ có phần về thực trạng về cơ chế, chủ thể, nội dung, phương thức. Từ đó, có phần đánh giá chung những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân.

"Đề án cần cân nhắc thêm phần về kiểm toán nội bộ có cần thiết hay không trong nội dung. Từ các phần nêu trên, Đề án sẽ có quan điểm, định hướng, giải pháp thực hiện bám sát những nội dung đã đưa, phải có bối cảnh thực tiễn, cơ chế phối hợp của các đơn vị liên quan", ông Hải băn khoăn.

Chia sẻ về tên Đề án, đại diện Thanh tra Kiểm toán Nhà nước chia sẻ, hiện nay tên Đề án đang rất rộng và nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết. Ban soạn thảo cần bám sát mục tiêu, bối cảnh của Đề án để xác định tên Đề án cho chính xác. 

Kết luận tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh yêu cầu Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cần tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch triển khai xây dựng Đề án.

Đồng thời, cần làm rõ đối tượng hưởng thụ, vai trò của các cơ quan quản lý tham gia vào việc thực thi Đề án; cần làm rõ nội dung, phương thức thực hiện, ngoài ra, làm rõ tính khả thi trong thực tiễn khi Đề án được triển khai… 

"Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cần chú trọng đến các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán của cơ quan quản lý Nhà nước... Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để đánh giá, tổng kết thực tiễn liên quan đến phạm vi của Đề án, phân chia lộ trình theo từng giai đoạn cụ thể để đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm hướng tới mục tiêu hiệu quả, thiết thực…", ông Trần Văn Minh nhấn mạnh.

Thái Hải