Chia sẻ tại hội thảo, TS. Lê Tiến Hào nhấn mạnh: Thanh tra là một chức năng thiết yếu, quan trọng trong quản lý Nhà nước, thực hiện việc xem xét, đánh giá và xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân; vừa là hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước, vừa là hoạt động đặc thù mang tính nghề nghiệp nên thanh tra được tiến hành theo các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Nhiều quy định đã được ban hành trong Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, làm quy chuẩn cơ bản cho việc tiến hành hoạt động thanh tra.

Tuy nhiên, khi áp dụng đối với hoạt động thanh tra nói chung, các quy định trong các văn bản pháp luật về thanh tra hiện hành mới chỉ dừng lại ở các quy định chung. Các quy định này mới chỉ quy định những nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cơ bản trong việc tiến hành thanh tra, mà còn thiếu các quy định về nghiệp vụ, về kỹ năng, phương pháp để thực hiện các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đó.

Đề tài đã luận giải, làm rõ một số vấn đề lý luận về xây dựng Bộ chuẩn mực thanh tra: Quan niệm, đặc điểm, nội dung của Bộ chuẩn mực thanh tra; sự cần thiết xây dựng Bộ chuẩn mực thanh tra; vai trò, ý nghĩa của Bộ chuẩn mực trong hoạt động thanh tra; nguyên tắc, phương thức xây dựng Bộ chuẩn mực thanh tra; các yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng Bộ chuẩn mực thanh tra; kinh nghiệm một số ngành, lĩnh vực xây dựng Bộ chuẩn mực.

Làm rõ thực trạng pháp luật và cơ sở thực tiễn của việc xây dựng chuẩn mực trong hoạt động thanh tra, qua đó chỉ rõ các khoảng trống, hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến chuẩn mực trong hoạt động thanh tra; chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong thực tiễn hoạt động thanh tra xuất phát trực tiếp từ nguyên nhân thiếu chuẩn mực thanh tra; đưa ra nhu cầu phát triển, đổi mới hoạt động thanh tra trên cơ sở xây dựng và thực hiện Bộ chuẩn mực thanh tra trong thời gian tới.

Đồng thời, đưa ra các quan điểm và giải pháp, kiến nghị xây dựng và thực hiện Bộ chuẩn mực thanh tra.

Góp ý tại hội thảo, TS. Đỗ Gia Thư, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh, đề tài đã làm rõ được sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa và các yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng Bộ chuẩn mực thanh tra.

Đề tài đạt được mục tiêu đặt ra là luận giải, làm rõ một số vấn đề lý luận về xây dựng Bộ chuẩn mực thanh tra; hình thức trình bày về cơ bản rõ ràng, hợp lý, số liệu nghiên cứu được cập nhật đầy đủ; trích dẫn tài liệu rõ ràng.

Đi vào cụ thể, TS. Đỗ Gia Thư cho biết: Tại Chương 1, Ban Chủ nhiệm (BCN) đã đề cập khá đầy đủ những vấn đề lý luận như quan niệm, vai trò, ý nghĩa, nội dung và hình thức của Bộ chuẩn mực thanh tra. Chương 2, đã phân tích đánh giá thực trạng của pháp luật hiện hành, nêu lên được ưu điểm, kết quả đạt được và những hạn chế của pháp luật. Ở Chương 3, BCN đã đưa ra các quan điểm cũng như giải pháp xây dựng và thực hiện Bộ chuẩn mực thanh tra; các kiến nghị rất đúng đắn, nhưng có lẽ BCN cần nhấn mạnh thêm, việc tiếp thu và giải quyết các kiến nghị này cũng phải có lộ trình và song hành cùng với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dần Bộ chuẩn mực thanh tra, không chờ hoàn thiện pháp luật rồi mới xây dựng Bộ chuẩn mực thanh tra.

TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra cho rằng, với kết cấu 3 chương, nội dung đề tài đi từ xác định cơ sở lý luận xây dựng Bộ chuẩn mực thanh tra đến việc đánh giá thực trạng việc xây dựng và thực hiện các quy định có tính chuẩn mực thanh tra. Đề tài đưa ra quan điểm, giải pháp xây dựng và thực hiện Bộ chuẩn mực thanh tra với báo cáo tổng thuật dài 174 trang. Các số liệu phong phú, được trích dẫn nguồn cụ thể, rõ ràng, có tính cập nhật và có độ tin cậy cao. Có thể nói, sản phẩm của đề tài thể hiện sự tâm huyết, thái độ làm việc nghiêm túc, công phu của tập thể tác giả. Đồng thời, sản phẩm này cũng là một công trình khoa học vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn; các giải pháp và kiến nghị có tính đồng bộ, cụ thể và khả thi trong xây dựng và thực hiện Bộ chuẩn mực thanh tra.

Đồng tình với các ý kiến của các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu, TS. Nguyễn Văn Kim, nguyên quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định đề tài có tính ứng dụng cao, các giải pháp mang tính đồng bộ, có tính khả thi cao; BCN tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, đúng quy định.

“Mặc dù đề tài đạt được nhiều kết quả cao, nhưng nếu bổ sung thêm một số nội dung thì kết quả sẽ toàn diện và có sức thuyết phục hơn”, TS. Nguyễn Văn Kim nhấn mạnh. Theo đó, về tình hình ban hành văn bản pháp luật có tính chuẩn mực, BCN chưa đề cập đến việc ban hành văn bản mang tính nghiệp vụ, nhất là văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành.

Về giải pháp tổ chức thực hiện, TS. Nguyễn Văn Kim mong rằng BCN đưa ra Bộ chuẩn mực thanh tra gồm các chuẩn mực cụ thể và cần xác định tiến độ thực hiện, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện…

Với những kết quả nghiên cứu đã đạt được, Hội đồng nghiệm thu thống nhất chấm điểm Đề tài xếp loại Xuất sắc.

Thái Hải