Thanh tra viên cao cấp - TS Doãn Trung Thông - Trưởng Khoa nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo; Trường Cán bộ thanh tra cho biết, hội thảo nhằm mục đích kiểm chứng giữa lý luận và thực tiễn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thông qua hội thảo, nhà trường sẽ đúc rút ra được những kinh nghiệm trong việc soạn thảo, xây dựng giáo trình giảng dạy hiệu quả hơn.

 
Thanh tra viên cao cấp - TS Doãn Trung Thông và ông Đàm Quang Vinh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai chủ trì hội thảo. Ảnh: TQ 

Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Thanh tra tỉnh Lào Cai  cho biết, tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 và Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ về rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, hàng năm UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh và các ngành, địa phương thường xuyên rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài, kịp thời báo cáo Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo xử lý giải quyết.

Nhiều vụ việc đã được giải quyết, xử lý dứt điểm, người dân không còn khiếu kiện. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều và có diễn biến phức tạp; vẫn còn có những vụ việc tồn đọng, phức tạp chưa xử lý dứt điểm, người dân vẫn đến các trụ sở tiếp công dân các cấp và gửi đơn thư khiếu kiện.

 Đại diện Ban Tiếp công dân tỉnh Lào Cai phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TQ

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh Lào Cai cho biết, từ năm 2016 đến hết quý I/2019, toàn tỉnh đã tiếp đón, giải thích, hướng dẫn cho 13.278 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ảnh, kiến nghị và đề nghị, bằng 17.159 người.

Tiếp nhận và xử lý 13.137 đơn thư, trong đó có 3.388 đơn khiếu nại (có 2.876/3.388 đơn khiếu nại liên quan đến đất đai, bồi thường GPMB, chiếm 84,8%) và 646 đơn tố cáo (có 351/646 đơn tố cáo liên quan đến lĩnh vực hành chính chiếm 54,3%), còn lại 9.187 đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh, đơn nặc danh.

Cùng với việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh của người dân đã được các ngành, các cấp thực hiện theo đúng qui định; việc tiếp nhận, xử lý đơn đầy đủ, kịp thời, xử lý chính xác và hạn chế thấp nhất để tồn đọng.

 Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo. Ảnh: TQ

Bên cạnh những việc làm được, các đại biểu cũng chia sẻ về những hạn chế trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo như: Năng lực, trình độ và kỹ năng của một số cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không đồng đều, một số chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; đặc biệt ở một số xã trên địa bàn huyện.

Đối với cấp cơ sở, cán bộ làm công tác tham mưu tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hầu hết kiêm nhiệm nên kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và việc bố trí, sắp xếp công việc và dành cho công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều hạn chế.

Vẫn còn một số địa phương, cơ sở quan tâm chưa đúng mức đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thủ trưởng đơn vị chưa thường xuyên tiếp công dân; việc xử lý đơn thư, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo một số còn xảy ra sai sót về trình tự, thủ tục, thời gian, kiến nghị xử lý...

Các đại biểu nhất trí cho rằng, để làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu; tiếp tục nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…

Trần Quý