TS. Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, thanh tra, giải quyết KN,TC thuộc lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, trực tiếp thực thi quyền lực nhà nước trong lĩnh vực hành pháp trong phạm vi rộng, vì vậy luôn có nguy cơ và thực tế đã có một số trường hợp gây ra thiệt hại cho đối tượng thanh tra, người KN,TC và các cơ quan tổ chức, cá nhân khác.

"Vì vậy, quan điểm Nhà nước phải "sòng phẳng" với nhân dân đòi hỏi những thiệt hại đó phải được bồi thường. Tuy vậy, nếu có thiệt hại xảy ra thì việc giải quyết bồi thường trong nhiều trường hợp sẽ rất khó khăn vì chưa có cơ chế rõ ràng", TS. Khanh nhận định.

Về quan niệm, đặc điểm trách nhiệm và cơ sở xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC, theo TS. Nguyễn Tuấn Khanh là trách nhiệm pháp lý bất lợi mà theo đó Nhà nước phải bồi thường những thiệt hại về vật chất và bồi đắp tổn hại về tinh thần mà người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC gây ra cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết KN,TC.

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thanh tra giải quyết KN, TC trước hết có đặc điểm của trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nói chung, đó là trách nhiệm bồi thường dân sự ngoài hợp đồng thì còn có đặc điểm là trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước.

Trong hoạt động thanh tra, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước gắn với trách nhiệm của các cơ quan có chức năng thanh tra.

Còn trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động giải quyết KN,TC có liên quan đến trách nhiệm của tất cả các cơ quan, trong đó có các cơ quan hành chính ở cả 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện xã và các cơ quan khác.

Về người được yêu cầu đòi bồi thường, là người bị thiệt hại bởi hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC, TS. Khanh cũng đưa ra, cơ sở xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC như: có thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại phải là hành vi trái pháp luật và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.

Tuy nhiên, Nhà nước không bồi thường đối với những thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại.

"Trong trường hợp người thì hành công vụ và người bị thiệt hại cùng có lỗi thì Nhà nước chỉ bồi thường một phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người thi hành công vụ", TS. Nguyễn Tuấn Khanh cho biết thêm.

Đề tài cũng nêu ra, những thiệt hại được Nhà nước bồi thường như: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết hoặc do sức khoẻ bị xâm phạm và thiệt hại về tinh thần...

Góp ý tại hội thảo, ông Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, phần 1.3 về thiệt hại được bồi thường và thủ tục giải quyết bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC nên tách ra làm hai phần, xác định rõ thiệt hại nào thì được bồi thường; trình tự bồi thường ra sao? 

Trong Chương 2, thông tin thì nhiều nhưng bố cục chưa rõ, theo ông Hùng, không nên dùng từ "nguy cơ", nên gom và viết lại theo trình tự: quy định của pháp luật, hoạt động thực tiễn và đưa giải pháp.

Sang tới Chương 3, hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả là hoàn thiện, Ban Chủ nhiệm cần nêu rõ cụ thể nâng cao nội dung gì...

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Cục IV) cho rằng, Ban chủ nhiệm cần xem xét lại nội dung về quan điểm Nhà nước phải "sòng phẳng" với nhân dân đòi hỏi những thiệt hại phải được bồi thường. Ông Hùng đặt ra câu hỏi: Có nên chăng dùng từ "sòng phẳng"? 

"Về giải pháp xác lập cơ chế đặc thù cho việc thực hiện trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC. Vậy, ngành Thanh tra có hẳn là ngành đặc thù hay không để xác lập cơ chế đặc thù?", ông Hùng băn khoăn. 

Ở nội dung hoàn thiện pháp luật về thanh tra, giải quyết KN, TC trong phần 3.2.1 có nội dung liệt kê một số văn bản không còn hiệu lực thi hành, theo ông Ngô Mạnh Hùng, Ban Chủ nhiệm cần kiểm tra kỹ lại.

Còn theo ông Trần Trung Sơn, Cục IV khẳng định, đề tài rất hay, xuất phát từ nguyên tắc Nhà nước và nhân dân là bình đẳng. Trong phạm vi đề tài gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. 

Tuy nhiên, bố cục chưa thực sự rõ ràng, cân đối. Theo ông Sơn, có thể chia ra hai nhóm đối tượng: Đối tượng gắn với các hoạt động của thanh tra Nhà nước (giải quyết KN, giải quyết TC...) và nhóm thanh tra chuyên ngành. 

Rõ hơn, ông Sơn nói: Nhóm đối tượng gắn với các hoạt động của thanh tra Nhà nước thường ít dẫn tới nguy cơ thực hiện trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Nhưng nguy cơ cao hơn chính là từ các hoạt động thanh tra chuyên ngành. 

"Khi phân tích nguy cơ thì phải có nguồn, cơ chế như thế nào, quy định hiện tại ra sao thì cần phải làm rõ", ông Sơn nhấn mạnh. 

Ông Nguyễn Đình Tự, Vụ 1 thì đưa một loạt vấn đề cho Ban Chủ nhiệm, cần phải xác định rõ tính cấp thiết đề tài, vì sao phải nghiên cứu, thực tiễn có gì vướng mắc gì? Hệ thống pháp luật có gì chưa đồng bộ? Khi xác định được tính cấp thiết thì mới khoanh vùng được phạm vi. Cần thể hiện được chủ thể bồi thường là ai? 

Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm cũng cần xác định thời hiệu bồi thường đối với các hoạt động thanh tra, vì theo ông Tự đây là nội dung rất quan trọng. 

Ngoài ra, ở Chương 1 và Chương 2 đang có nhiều nội dung trùng lắp, đặc biệt là lý luận pháp lý, chỉ nêu về lý luận pháp lý, Chương 2 nêu về thực tiễn áp dụng pháp luật, vướng mắc những gì để từ đó đưa ra giải pháp phù hợp.

Ở Chương 3, không cần thiết phải đưa 3 quan điểm mà Ban Chủ nhiệm cần tập trung vào giải pháp. 

Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Khanh cảm ơn các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu. Ông Khanh khẳng định, sẽ cố gắng tiếp thu triệt để, tối đa các ý kiến, chỉnh sửa nội dung đề tài hoàn chỉnh trước khi đưa ra nghiệm thu sơ bộ.

Thái Hải