Đề tài gồm 3 chương: Chương 1: Một số vấn đề chung về chất lượng cuộc thanh tra; Chương 2: Thực trạng chất lượng cuộc thanh tra; Chương 3: Phương hướng, giải pháp và kiến nghị nâng cao chất lượng cuộc thanh tra.

Theo Ths. Đặng Khánh Toàn, một số vấn đề  ảnh hưởng đến chất lượng cuộc thanh tra phân thành 2 nhóm: Nhóm yếu tố pháp lý thực hiện cuộc thanh tra và nhóm các yếu tố liên quan đến tổ chức thực hiện cuộc thanh tra.

Đối với nhóm yếu tố pháp lý, Ths. Toàn cho rằng, đây là nhóm quan trọng có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc thanh tra bởi vì cơ cấu tổ chức hợp lý hay không, các quy định pháp luật có chặt chẽ, rõ ràng hay chồng chéo... đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc thanh tra.

Các yếu tố này liên quan đến các quy định về pháp luật tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thanh tra; về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, chuẩn mực nghiệp vụ, quy tắc ứng xử trong hoạt động thanh tra và quy định pháp luật về bảo đảm chất lượng cuộc thanh tra thông qua việc thực hiện, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động kiểm soát chất lượng cuộc thanh tra.

Đối với nhóm yếu tố liên quan đến tổ chức, thực hiện cuộc thanh tra liên quan đến sự chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra đối với hoạt động thanh tra; phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức thanh tra; năng lực chỉ đạo, điều hành của trưởng đoàn thanh tra; sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra...

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện chất lượng cuộc thanh tra có mức độ ảnh hưởng trước hết đến yêu cầu bảo đảm kết quả cuộc thanh tra đáp ứng chất lượng, yêu cầu tin cậy của các chủ thể quản lý và đối tượng mà kết luận, kiến nghị thanh tra hướng tới.

"Mục đích kiểm soát chất lượng cuộc thanh tra suy đến cùng là nhằm đảm bảo tính đúng đắn của hoạt động thanh tra, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra", Ths. Toàn nhận định.

Cũng theo Ban chủ nhiệm đề tài, một cuộc thanh tra có sự tham gia của 8 chủ thể kiểm soát chất lượng. Tùy từng cấp độ mà có chủ thể tham gia vào cả quá trình thực hiện một cuộc thanh tra hay chỉ tham gia một giai đoạn nhất định.

Ngoài ra, để tổ chức một cuộc thanh tra đòi hỏi có các giai đoạn kể tiếp, đó là: Chuẩn bị thanh tra; tiến hành thanh tra trực tiếp; xây dựng kết luận thanh tra và tổ chức, theo dõi kết luận thanh tra.

"Các giai đoạn này có mối quan hệ chặt chẽ, sản phẩm đầu ra của giai đoạn trước là đầu vào của giai đoạn sau. Do vạy, để nâng cao chất lượng cuộc thanh tra, đòi hỏi chất lượng từng giai đoạn phải được đảm bảo và kiểm soạt chặt chẽ", Ths. Toàn nhấn mạnh.

Cho ý kiến tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, kết cấu đề tài logic, bố cục rõ ràng. Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ 2 Nguyễn Tuấn Anh: Tại Chương 1 mục 1.2 "Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc thanh tra" khi viết đề cập chưa kỹ và sâu. Nên chăng chia thành yếu tố chủ quan, khách quan.

Chương 2: chủ yếu đề tài đang liệt kê các văn bản pháp luật liên quan đến ngành thành tra, nên vô hình trung đang sót các Nghị đinh, Thông tư của bộ, ngành. Mà trên thực tế những văn bản này có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc thanh tra.

Ngoài ra, còn có các quy định như chỉ đạo Thủ tướng, lãnh đạo của bộ, ngành..

Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, trước khi phân tích khái niệm chất lượng cuộc thanh tra nên có khái niệm cuộc thanh tra.

Đồng quan điểm, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục IV cho rằng, chưa nên phân tích chất lượng cuộc thanh tra khi chưa có khái niệm của cuộc thanh tra là gì. Khái niệm của chất lượng cuộc thanh tra là mức độ đáp ứng mục đính hoạt động thanh tra.

Ông Hùng cho rằng, phần quan niệm về chất lượng cuộc thanh tra nên bổ sung cuộc thanh tra bắt đầu từ khi nào và kết thúc lúc nào.

Mặt khác, để tiếp cận cuộc thanh tra và chất lượng cuộc thanh tra thì phải nhìn từ khâu tổ chức thanh tra cho đến định hướng thanh tra. Ban Chủ nhiệm đề tài nên dựa nguyên nhân tác động đến chất lượng cuộc thanh tra để đưa ra các giải pháp.

Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Tuấn Anh, đề tài đóng góp cụ thể trong bối cảnh  đang chuẩn bị sửa Luật Thanh tra và Thông tư 05.

Cũng giống như các đại diện có ý kiến tại Chương 1, Ban Chủ nhiệm đề tài nên chốt lại quan niệm về cuộc thanh tra và phải làm rõ yêu cầu của chất lượng cuộc thanh tra. Trong đó đảm bảo 2 nội dung là chất lượng và trình tự thủ tục cuộc thanh tra

Đại diện Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho rằng, Ban Chủ nhiệm đề tài cần điều chỉnh lại Chương 1, vì nội dung trình bày tại chương này chưa phản ánh được đặc điểm tính chất của chất lượng cuộc thanh tra. 

"Quan điểm cuộc thanh tra rất quan trọng sau đó mới đến thể hiện được quan điểm chất lượng thanh tra", vị này nhấn mạnh.

Mặt khác, tại mục 1.5 "Kinh nghiệm và bài học rút ra từ việc thực hiện kiểm soát chất lượng của Kiểm toán Nhà nước" thuộc Chương 1 nên lồng ghép vào 1.3 và chia thành mục nhỏ vì nếu để riêng mục này thì quá rộng, gây loãng đề tài. Sau đó phần cuối của chương là phần kinh nghiệm.

Tại Chương 2, không nên đánh giá các mục quy định chất lượng cuộc thanh tra vì các văn bản liên quan đến chất lượng cuộc thanh tra rất rộng.

Chương 3: Cần cân nhắc chọn những nội dung cần thiết tránh trùng lắp về phương hướng và giải pháp.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, phần nguyên nhân và tồn tại đề tài chưa đề cập nhiều tới quy trình nghiệp vụ thanh tra trong giai đoạn khảo sát cần có quy định cụ thể hơn. 

Trong nội dung nguyên nhân, hạn chế cần có quyền của trưởng đoàn thanh tra, còn quyền của thanh tra viên hạn hữu được áp dụng thực hiện mà chỉ thông qua trưởng đoàn và người ra quyết định thanh tra.

Về phần kiến nghị, nghiên cứu, cân nhắc các kiến nghị tổng quan, rộng hơn trên toàn ngành Thanh tra...

Kết thúc hội thảo, Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội thảo và sớm chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện đề tài. 

Thái  Hải