Tránh hình thức và sát với thực tế hơn
 
Chủ trì Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho biết, từ kết quả theo dõi, nắm tình hình thi hành các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục trong hoạt động thanh tra - bao gồm Thông tư số 05/2014/TT-TTCP, cho thấy: Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định về trình tự, thủ tục chung đối với hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành. 


Đối với hoạt động thanh tra hành chính, các quy định về trình tự, thủ tục hiện hành là tương đối phù hợp; đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành được tổ chức theo đoàn thì cơ bản, các quy định về trình tự, thủ tục hiện hành tương đối phù hợp với thanh tra bộ nhưng không phù hợp với thanh tra sở và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
 
“Do mỗi ngành, lĩnh vực quản lý Nhà nước có những đặc thù riêng nên một số quy định về trình tự, thủ tục về hoạt động thanh tra hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn đa dạng, phức tạp, chuyên sâu của ngành, lĩnh vực; cấp độ, phạm vi và quy mô hoạt động thanh tra cũng không giống nhau nên khó có thể áp dụng theo một trình tự, thủ tục chung. Quá trình thi hành pháp luật về thủ tục trong hoạt động thanh tra, các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể có liên quan đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc”, TS. Nguyễn Quốc Văn khẳng định.
 
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung phản ánh, chia sẻ những phát hiện chân thực và rõ nét về những bất cập của Thông tư số 05/2014/TT-TTCP, của các văn bản pháp lý có liên quan và bình luận, kiến giải nguyên nhân; phân tích, đề xuất những nội dung cụ thể cần phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm hướng tới giải quyết những tồn tại, hạn chế trong tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đoàn thanh tra nói riêng và công tác thanh tra nói chung.
 
Ông Đào Ngọc Linh, Vụ Thanh tra kiểm tra, Tổng cục Thuế chia sẻ, trên cơ sở Luật Thanh tra ban hành 2010, thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thuế có hoạt động thanh tra thuế dựa theo Luật Quản lý thuế, Luật Thanh tra thuế, Bộ Tài chính cũng áp dụng theo Luật Thanh tra và các nghị định hướng dẫn...
 
Qua thực hiện nhận thấy một số tồn tại, hàng năm, hoạt động thanh tra thuế diễn ra theo hai cấp: Cấp tổng cục và cấp thành phố, cơ bản đáp ứng. Tuy nhiên, theo ông Linh có nhiều thủ tục còn chưa phù hợp với hoạt động thanh tra chuyên ngành như các bước xây dựng và tiến hành hoạt động thanh tra; công bố công khai quyết định thanh tra. Do thanh tra thuế là hoạt động thường xuyên, nên ông Linh đề nghị, khi xây dựng Luật cần tránh hình thức và sát thực hơn với thực tế.
 
Ông Linh cũng thông tin thêm những bất cập về thời hạn thanh tra, xuất phát từ các văn bản Luật Thanh tra và các văn bản pháp quy, thực tế hoạt động thanh tra thuế theo ngày là chưa chính xác và không thực tế theo hoạt động thanh tra thuế. Nếu như hiện tại cứ tính luôn cả ngày thứ 7, chủ nhật, vào ngày nghỉ cuối tuần, hầu như các doanh nghiệp không làm việc. Đây là lý do khiến đối tượng thanh tra chây ì, chậm cung cấp hồ sơ, tài liệu.
Ông Linh đề xuất sửa Luật Thanh tra thành ngày làm việc thực tế tại đơn vị, doanh nghiệp.
 
“Về việc công bố công khai kết luận thanh tra và quyết định thanh tra, đối với thanh tra chuyên ngành trên thực tế là có rất nhiều cuộc, nhiều khi chỉ là cuộc thanh tra nghĩa vụ thuế, vì vậy, ký công bố kết luận thanh tra là không cần thiết, thêm thủ tục rườm rà. Hình thức công khai có thể trên trang web tại các đơn vị thanh tra”, ông Đào Ngọc Linh nhấn mạnh.
 
Liên quan tới nhật ký thanh tra, ông Linh cho biết, về cơ bản, ngành Thuế thực hiện đúng trình tự, thủ tục. Tuy nhiên vừa qua ngành Thuế có xây dựng nhật ký điện tử. Sau đó hết cuộc thanh tra mới in ra.
Ông Linh đặt vấn đề, nếu làm như vậy, có đúng pháp lý và thời gian tới, các nhà làm luật cần bổ sung việc áp dụng nhật ký điện tử vào quy trình thanh tra.
 
Không nên nặng nề về trình tự, thủ tục
 
Đại diện Thanh tra Tổng cục Thuỷ sản cho rằng, đối với Thông tư 05, công tác thanh tra chuyên ngành khác với thanh tra hành chính về mặt bản chất, trình tự. Nếu thanh tra chuyên ngành áp dụng theo thanh tra hành chính là rất khó trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm trình Bộ trưởng, phải đi xác minh, thẩm tra, thu thập thông tin của đối tượng thanh tra.
 
Tuy nhiên, đối tượng thanh tra của Tổng cục Thủy sản có khi chỉ là những tàu thuỷ sản, họ ra khơi đánh bắt thường xuyên, như vậy rất khó có thể xác định được địa chỉ, đối tượng thanh tra của mình là ai? Bên cạnh đó, vị đại diện này đặt ra câu hỏi về trình tự thủ tục công bố quyết định và ghi nhật ký đoàn thanh tra có cần thiết hay không vì nội dung công việc đã được thể hiện rõ trong biên bản làm việc.
 
Còn ông Trần Đăng Vinh, quyền Vụ trưởng - Phụ trách Báo Thanh tra cho biết, hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang trong quá trình sửa đổi Luật Thanh tra 2010. Trên thực tế, Luật Thanh tra còn “yếu”, đi hoạt động thực tế thì còn nhiều bất cập.
Ông Vinh đưa giải pháp, phải phân loại các cuộc thanh tra tuỳ theo tính chất, quy mô. Cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ khác với cuộc thanh tra các bộ ngành; thanh tra hành chính cũng khác thanh tra chuyên ngành.
 
Vì vậy, theo ông Vinh, cần có bộ quy trình cho từng nhóm cuộc thanh tra cho phù hợp; không nên nặng nề về trình tự, thủ tục mà cần có sự giám sát chặt chẽ để báo cáo lãnh đạo phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm, có thể tịch thu hay áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
 
Đi vào cụ thể nội dung Thông tư 05, ông Trần Đăng Vinh đưa ý kiến, về mặt khái niệm, giải thích từ ngữ trong Thông tư cần bổ sung đầy đủ hơn (ví dụ văn bản ban hành trong hoạt động thanh tra, báo cáo kết quả hoạt động thanh tra cũng cần phải có khái niệm cụ thể). Đặc biệt, trong việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra đòi hỏi những người có năng lực, trình độ chuyên môn để phát hiện ra những sai sót, bất cập trong dự thảo thì có thể sử dụng những chuyên gia hàng đầu để thẩm định.
 
Luật Thanh tra không quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra nhưng theo Thông tư số 05/2014/TT-TTCP thì người ra quyết định thanh tra xem xét hoặc giao cho đơn vị chuyên môn nghiên cứu dự thảo kết luận thanh tra để tham mưu, đề xuất hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra; không buộc phải thẩm định dự thảo kết luận thanh tra trước khi ký ban hành. Do pháp luật về thanh tra không quy định cụ thể, thống nhất về những vấn đề liên quan đến thẩm định dự thảo kết luận thanh tra như căn cứ, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục, thời gian, giá trị pháp lý, giải quyết tình huống xung đột quan điểm trong thẩm định… nên việc thực hiện thẩm định chưa thống nhất, gặp khó khăn, lúng túng trong thực tiễn.
 
Còn một số lưu ý nhỏ như cần ghi thời gian tối đa và tối thiểu trong các bước tiến hành thanh tra; trong văn bản thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra, chẳng hạn văn bản yêu cầu đối tượng cung cấp hồ sơ, tài liệu cần hiện thực hoá bằng mẫu văn bản để áp dụng rộng rãi trong thực tế.
 
Hướng dẫn chung về thu thập thông tin trước khi lựa chọn đối tượng thanh tra
 
Ông Văn An Hưng, Vụ 1, Thanh tra Chính phủ đưa ý kiến liên quan tới quyền được trưng cầu giám định trong thanh tra, trách nhiệm ra sao, thời gian thế nào? Hiện nay không có chuyên môn, thiết bị để giám định mà chỉ biết mô tả và không định lượng được.
 
Bên cạnh đó, nội dung về thanh tra chuyên ngành cần phân biệt với thanh tra hành chính về nội hàm, quy mô, tính chất. Vì vậy, Thông tư nên kết cấu thành các chương riêng và đưa ra lấy ý kiến của các bộ, ngành.
 
Đại diện Vụ Thanh tra kiểm tra, Tổng cục Hải quan, ông Đoàn Minh Mạnh chia sẻ, vấn đề thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch, tránh chồng chéo là việc làm rất quan trọng. Vì thế, cần ban hành hướng dẫn chung cho toàn hệ thống về thu thập thông tin trước khi lựa chọn đối tượng thanh tra cho trúng và đúng.
 
Đồng thời, ông Mạnh nêu bất cập, hiện nay sau khi ra quyết định thanh tra, người ra quyết định mới giao cho trưởng đoàn xây dựng kế hoạch thanh tra, như vậy là không phù hợp. Ông Mạnh cho rằng, khi lãnh đạo ký quyết định thanh tra thì cần gửi luôn cả kế hoạch thanh tra kèm theo.


Ngoài ra, ông  Mạnh cũng đưa một ý kiến liên quan tới việc lựa chọn thành viên đoàn thanh tra, do biên chế có hạn, trên địa bàn thì lại có rất nhiều cuộc thanh tra chuyên ngành. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể việc 1 thành viên có thể tham gia đồng thời 2 đến 3 đoàn để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hay không?
Thái Hải