Thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Luật Tiếp Công dân, năm 2015, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tích cực và phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ trong việc triển khai giải pháp đưa luật sư tham gia vào quá trình tiếp công dân, giải quyết KN, TC của công dân.

Theo luật sư Thịnh, việc luật sư tham gia vào trợ giúp pháp lý cho nhân dân trong giải quyết khiếu kiện của công dân ở Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương tại Hà Nội là nhiệm vụ chính trị pháp lý. Do vậy, đội ngũ luật sư luôn sẵn sàng tham gia và đã tham gia đạt được những kết quả khả quan.

Trong quá trình trợ giúp pháp lý cho nhân dân, luật sư đã thể hiện được vai trò là người tư vấn giải thích pháp luật cho nhân dân một cách khách quan trung thực, đúng pháp luật. Qua đó tạo được niềm tin của nhân dân vào đội ngũ luật sư khi thực hiện bổn phận nghề nghiệp của mình.

Việc tham gia trợ giúp này, một mặt vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhân dân, mặt khác giải thích cho nhân dân hiểu cần phải khiếu kiện như thế nào cho đúng quy định của pháp luật và phải xử sự phù hợp với pháp luật, nếu khiếu kiện không đúng, không nên khiếu kiện nữa.

Mặt khác, luật sư cũng giúp cho các cơ quan Nhà nước thực hiện việc giải quyết KN đúng pháp luật hơn, qua đó tạo được niềm tin của nhân dân vào việc giải quyết khiếu kiện của các cơ quan Nhà nước đối với khiếu kiện của công dân khi tham gia khiếu kiện.

Cũng theo luật sư Thịnh, năm 2015, đợt đầu Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch thí điểm bố trí 100 luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho 535 lượt công dân với 374 vụ việc tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội. Đợt 2, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã bố trí 110 luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội. Sau Tết Nguyên đán, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ bố trí 100 luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tại TP Hồ Chí Minh.

Qua thí điểm thực hiện tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội cho thấy, luật sư đã thể hiện tốt vai trò giúp công dân hiểu đầy đủ rõ ràng các quy định của pháp luật, nhất là những quy định liên quan đến KN,TC về quyền và nghĩa vụ của mình. Nhiều công dân sau khi được tư vấn, giải thích pháp luật đã tự giác chấp hành việc giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chấm dứt KN,TC.

Có thể nói, qua việc thực hiện thí điểm này cho thấy, việc trợ giúp pháp lý của luật sư đã mang lại hiệu quả tích cực, cần phải nhân rộng, tăng cường bố trí luật sư phối hợp tiếp công dân tại các Trụ sở Tiếp công dân Trung ương và địa phương, bộ, ngành và tham gia vào xem xét giải quyết KN,TC khi có yêu cầu, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp, nhận thức pháp luật của công dân còn hạn chế.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tăng cường quản lý, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, phòng ngừa, hạn chế những trường hợp lợi dụng nghề nghiệp luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp làm cho việc giải quyết KN,TC thêm phức tạp, từ đó trợ giúp pháp lý cho người KN,TC mang lại hiệu quả thiết thực đúng pháp luật.

Hiếu - Hải