Hiện nay 9 tỉnh thành phố, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại cấp quận, huyện, phường, xã, sau 3 năm thực hiện thí điểm tại một số cơ sở.

Trong bối cảnh tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn nhức nhối hiện nay, thì lực lượng thanh tra được phủ kín tại tất cả các cấp sẽ hạn chế được những khoảng trống trong quản lý, kiểm tra các khâu từ trang trại đến bàn ăn.

Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp nhằm tránh tình trạng chống chéo trong tranh tra thì sẽ dẫn đến thực trạng: Một doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực phẩm phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra tại cùng một thời điểm, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động. Cuộc phỏng vấn sau đây giữa phóng viên Đài TNVN với ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế sẽ đề cập vấn đề này:    

PV: Thưa ông Nguyễn Văn Nhiên! Trước hết ông có thể cho biết hiện nay 9 tỉnh, thành phố được Chính phủ lựa chọn đã triển khai như thế nào về lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận huyện, phường xã?

Ông Nguyễn Văn Nhiên: Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tại tuyến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, ngày 26/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47, thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm tại tuyến huyện và tuyến xã tại 9 tỉnh, thành phố, đó là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai và Gia Lai.

Đến nay 9 tỉnh, thành phố đã đồng loạt thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm bắt đầu từ 10/7/2019. Trong đó, Hà Nội đã đào tạo được 3000 công chức, viên chức ở các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn. Ngoài chức năng thanh tra, lực lượng này có quyền xử phạt vi phạm hành chính giống như một thanh tra viên y tế, nông nghiệp, công thương và như một chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ.

PV: Với việc triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại cấp cơ sở thì lực lượng này đã được phủ kín từ Trung ương đến địa phương. Vậy làm thế nào để không xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các đoàn thanh tra, kiểm tra tại cùng cơ sở sản xuất thực phẩm, điều mà các doanh nghiệp đang lo ngại hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Nhiên: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo để khắc phục tình trạng chống chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp. Việc tuân thủ các quy định của pháp luật không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà trước hết là của nhà quản lý, lực lượng thi hành công vụ, trong đó có lực lượng thanh tra, kiểm tra.

Theo quy định của Luật thanh tra và quy định của Thủ tướng Chính phủ thì đối với doanh nghiệp sẽ thanh tra không quá một lần trong một năm, trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng, có đơn thư khiếu nại tố cáo hoặc có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi có những lúc bị trùng nhau giữa các đoàn thanh tra, nhưng đã có giải pháp xử lý. Nguyên tắc là, nếu kế hoạch thanh tra của tuyến trên mà trùng với tuyến dưới thì thực hiện theo kế hoạch của tuyến trên. Nếu kế hoạch thanh tra của các cơ quan cùng cấp chồng chéo nhau, trùng nhau thì các đơn vị phải ngồi lại với nhau để trao đổi bàn bạc, để có thể thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành mới hoặc một đơn vị phải rút, rồi cử người tham gia phối hợp.

PV: Như ông vừa cho biết thì thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp cơ sở có quyền xử phạt vi phạm hành chính như một cảnh sát đang làm nhiệm vụ, nhưng thực tế thí điểm diện hẹp từ năm 2016 đã cho thấy là việc xử lý vi phạm tại cấp xã, phường vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy, làm thế nào để khắc phục tình trạng nể nang, né tránh do quen biết, tình làng nghĩa xóm của lực lượng thanh tra cấp xã phường trước những vi phạm về an toàn thực phẩm, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Nhiên: Liên quan đến nghiệp vụ thanh tra ở cấp xã, phường thì trong chương trình đào tạo, chúng tôi đã có những bài tập huấn về quy trình tiến hành một cuộc thanh tra, về nguyên tắc chung về xử lý vi phạm và trong xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các kiến thức, kỹ năng về an toàn thực phẩm. Về vấn đề giám sát theo quy định của pháp luật hiện nay, trước hết các đồng chí Chủ tịch UBND các cấp, cụ thể ở đây là Chủ tịch UBND huyện và xã là người giám sát thực thi thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Trường hợp cần thiết sẽ giao cho một bộ phận chức năng hoặc cá nhân cụ thể thực hiện nhiệm vụ giám sát để thanh tra phải phát huy được hiệu quả, hạn chế những sai phạm và tạo ra thị trường thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Theo Văn Hải/VOV.VN