Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho thấy, công tác PCTN cấp tỉnh năm 2017 còn một số hạn chế.

Báo cáo đánh giá chỉ rõ, kết quả thực hiện công tác PCTN cấp tỉnh còn chưa đạt yêu cầu, khoảng cách giữa các địa phương chưa đồng đều, còn khoảng cách xa nhau. Mức điểm dao động trung bình giữa các địa phương là 9,505 điểm, tỉnh đạt điểm cao nhất là 77,96 (tỉnh An Giang), tỉnh đạt điểm thấp nhất là 37,10 (tỉnh Bắc Kạn), khoảng cách chênh lệch lớn nhất là 32,11 điểm (gấp 4,8 lần mức chênh lệch trung bình).

Theo TTCP, tình trạng này phản ánh thực chất về nhận thức và biện pháp tổ chức thực hiện công tác PCTN giữa các địa phương có sự khác biệt. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng ở các địa phương có sự khác biệt lớn.

Lãnh đạo, chỉ đạo của cấp tỉnh mới triển khai thực hiện các chỉ đạo từ Trung ương, những chỉ đạo xuất phát từ thực tiễn của địa phương chưa nhiều; cho thấy sự chủ động nắm bắt tình hình và chỉ đạo đối với công tác PCTN ở địa phương còn hạn chế: thiếu chương trình, kế hoạch phối hợp hành động đồng bộ; Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về PCTN chưa cao.

Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai đầy đủ, tuy nhiên, mức độ thực hiện ở các địa phương còn khác nhau; hiệu quả thực hiện giữa các giải pháp còn khoảng cách. Việc thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong một số lĩnh vực vẫn chưa bảo đảm yêu cầu; vẫn còn nhiều nội dung định mức, tiêu chuẩn, chế độ chưa phù hợp với thực tế, việc thanh tra, kiểm tra thực hiện chưa thường xuyên; Mục tiêu của việc kê khai tài sản chưa đạt được yêu cầu do công tác xác minh chưa được quan tâm; Việc chuyển đổi vị trí công tác chưa được chú trọng.

Theo Báo cáo, việc phát hiện và xử lý tham nhũng là khâu yếu trong công tác PCTN của các địa phương, giữa các địa phương cũng có khoảng cách lớn, thậm chí có một số địa phương đạt 0 điểm. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng thông qua giải quyết tố cáo hiệu quả thấp, nhìn chung việc phát hiện tham nhũng ở các địa phương chủ yếu qua công tác thanh tra, điều tra, truy tố xét xử cũng như qua phát hiện của báo chí, qua dư luận xã hội.

Kết quả chấm điểm cho thấy điểm trung bình toàn quốc ở nội dung này đạt  91,9% yêu cầu (tăng 5,95% so với năm 2016). Nhiều tỉnh làm tốt nội dung này khi có 27 địa phương đạt điểm tối đa. Mặc dù vậy, một số tỉnh làm chưa tốt công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN khi việc ban hành kế hoạch thanh tra chậm so với quy định, không phát hiện sai phạm cũng như không có kiến nghị thay đổi chính sách pháp luật từ các cuộc thanh tra.

Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; còn để kéo dài, nhất là thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra đột xuất, đòi hỏi tiến độ nhanh để phục vụ yêu cầu quản lý. Công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng tỉ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản, đất đai còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra; việc theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện kiến nghị trong kết luận thanh tra, nhất là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách chưa kịp thời, thường xuyên.

Căn cứ vào kết quả đánh giá công tác PCTN 2017, TTCP đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu chính quyền các cấp, tổ chức, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ “Về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020” với các nội dung như nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu chính quyền các cấp; tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định công tác tổ chức, cán bộ; kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ; hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng; nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội; kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN; nội luật hóa các quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong PCTN.

Trong đó, tập trung vào các nội dung: Quản lý Nhà nước về công tác PCTN; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa; việc phát hiện, xử lý tham nhũng; việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Sau hai năm tiến hành thí điểm đánh giá công tác PCTN theo phương pháp đánh giá của Cơ quan Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) dựa trên Bộ chỉ số đánh giá, việc triển khai thực hiện của TTCP và các địa phương đã dần đi vào nền nếp, từ khâu chuẩn bị đến việc tổ chức thực hiện; trên cơ sở rút kinh nghiệm sau các lần thực hiện đánh giá năm 2016, năm 2017. TTCP tiếp tục hoàn thiện Bộ chỉ số và nghiên cứu việc áp dụng triển khai PACA đối với cấp tỉnh theo hướng dễ tiếp cận và dễ đánh giá; đồng thời, xem xét áp dụng Bộ chỉ số này cho các bộ, ngành và các cơ quan ngang bộ.

Năm 2016, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Vietnam), được phép của Thủ tướng Chính phủ, TTCP đã thử nghiệm đánh giá công tác PCTN, phương pháp đánh giá công tác PCTN của ACRC thực hiện tại Hàn Quốc đối với “UBND cấp tỉnh”. Kết quả đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2016 (PACA 2016) cho thấy đây là phương pháp đánh giá rất tốt, có triển vọng, phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Căn cứ kết quả PACA 2016, Thủ tướng Chính phủ đãgiao TTCP tiếp tục thực hiện thí điểm đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2017 nhằm hoàn thiện phương pháp đánh giá, trước khi luật hóa để quy định thực hiện việc đánh giá công tác PCTN một cách thường xuyên.

PV