Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT đã giới thiệu tổng quan quy định sự phối hợp giữa các cơ quan tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân và một số nội dung về ban hành quy chế phối hợp tiếp công dân. 

Theo đó, UBND tỉnh có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp tiếp công dân giữa các cơ quan tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh; về các cơ quan tham gia phối hợp tiếp công dân tại trụ sở; về hoạt động phối hợp tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở; về phối hợp tiếp công dân tại phiên tiếp công dân định kỳ của Hội đồng nhân dân tỉnh; về phối hợp tiếp công dân tại phiên tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh...

Ông Hùng chia sẻ: Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp, có nhiều nội dung, thuộc trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, đã qua nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, giải quyết hoặc vụ việc có rất nhiều người tham gia, diễn biến phức tạp. Khi xảy ra vụ việc này thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc trưởng ban tiếp công dân có phối hợp với đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hoặc đại diện UBND địa phương nơi phát sinh khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

Khi xảy ra vụ việc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có phối hợp với thủ trưởng cơ quan công an trong địa bàn phụ trách và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan để áp dụng các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.

Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, hiện nay, các vụ việc khiếu nại thường là đông người, kéo dài. Việc khiếu nại diễn ra ở thời điểm nào thì áp dụng văn bản quy phạm ở thời điểm đó. 

Theo quy chế, đã có sự phối hợp đúng thời gian, sự phối hợp tiếp đã được thực hiện giữa các đơn vị, làm giảm bớt sự bức xúc của nhân dân. Việc tiếp công dân định kỳ 1 tháng 1 lần là phù hợp. 

Bên cạnh đó, việc tiếp công dân đột xuất, ngoài chủ tịch ra, đối với các vụ việc lớn, có hai đồng chí phó đã được huy động ra tiếp dân.

Các đại biểu cũng cho rằng, hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và hàng năm, các cơ quan, các ban phải có báo cáo thống kê gửi đến Ban Tiếp công dân Trung ương. 

Hiện nay, ban tiếp công dân có thực hiện việc rà soát hàng quý. Có những vụ việc, công dân đến cơ quan như Ủy ban Kiểm tra thì Ủy ban Kiểm tra sẽ mời đại diện đi dự. 

Về quy chế phối hợp tiếp công dân thì hiện tại có khoảng 20 quy chế giữa các tỉnh, thành. 

Tuy nhiên, các quy chế này chưa có sự thống nhất chung; không có nội dung nói về Ban Tiếp công dân Trung ương. Quy chế phối hợp về phạm vi đối tượng, hình thức, điều hành phối hợp, trách nhiệm các cơ quan tham gia… vẫn chưa có sự thống nhất. Quy chế phối hợp có bộ mẫu kèm theo nhưng quy chế giữa các tỉnh, thành thì không có.

Một số đại biểu nhận định, trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể: Cơ sở vật chất phục vụ tiếp công dân còn hạn chế; việc thực hiện phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương, quá trình giải quyết có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, cần lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan nhưng việc trả lời của các cơ quan này còn chậm nên việc giải quyết khiếu nại, tố cáo mất nhiều thời gian.

Nhiều vụ việc hoặc đơn của công dân không thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết hoặc đơn không đủ điều kiện xử lý nhưng các cơ quan khác vẫn chuyển đến và đề nghị giải quyết nên công dân lại tiếp tục đến đề nghị được giải quyết.

Đối với những vấn đề từ phía người dân, nhiều trường hợp công dân có thái độ không đúng mực, thiếu tôn trọng cán bộ tiếp dân, không chấp hành việc hướng dẫn, giải thích của cán bộ tiếp dân cũng như văn bản giải quyết đã có hiệu lực; có những trường hợp quá khích lợi dụng các buổi tiếp dân để quấy rối, thậm chí có những trường hợp đem theo vũ khí, kéo đông người đến nơi tiếp dân làm mất trật tự an ninh công cộng...

Bảo Anh