Phát hiểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hoan nghênh và đánh giá cao kết quả đạt được của toàn ngành Thanh tra cả nước, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác thanh tra, giải quyết KN,TC, PCTN. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn vất vả và ghi nhận, biểu dương sự cố gắng của ngành Thanh tra trong 6 tháng đầu năm 2017.

Với sự đoàn kết, nhất trí, không ngừng phấn đấu vươn lên, toàn ngành Thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm của TTCP và ngành Thanh tra có chuyển biến tích cực, đó là chú trọng triển khai kế hoạch thanh tra theo định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Kết quả thanh tra đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của việc phòng ngừa vi phạm pháp luật. 

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải lưu ý như việc kết luận thanh tra còn chậm; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít; xử lý sau thanh tra còn hạn chế (tỷ lệ thu hồi đất đai còn thấp); hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao; giải quyết , còn chậm, tỷ lệ thấp; có vụ việc còn thiếu chính xác, khách quan, công dân không đồng tình, bức xúc, kéo dài. Tình hình KN,TC còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, phát sinh một số điểm nóng (nhất là vụ việc tại xã Đồng Tâm, Hà Nội). Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao; kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra còn hạn chế…

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ đạo, ngành Thanh tra tiếp tục tập trung thực hiện theo Kế hoạch thanh tra 2017 (gắn với thanh tra đột xuất). Quan tâm cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, trong đó, thanh tra hành chính phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, chú ý các lĩnh vực có nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng; thanh tra chuyên ngành cần quan tâm đến các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. 

Quá trình thanh tra chú ý thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Bên cạnh đó, chú ý hạn chế chồng chéo trong hoạt động thanh tra cũng như trong thanh tra với kiểm toán; thực hiện tốt Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp với tinh thần Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp; quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC. Củng cố, kiện toàn cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC, tăng cường cơ sở vật chất (chú ý bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm); nâng cao chất lượng tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất. 

Đặc biệt, chú ý tăng cường đối thoại, hướng dẫn, giải thích pháp luật; nâng cao nhận thức của công dân, phấn đấu giảm tỷ lệ công dân KN sai, TC sai. Tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, có lý, có tình, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp; không để công dân bức xúc, phát sinh điểm nóng.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo hướng đi vào thực chất (tránh hình thức), phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật đối với các hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN. 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ đạo TTCP và ngành Thanh tra phải chủ động, tích cực và nỗ lực hơn nữa trong tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết KN,TC, PCTN và xây dựng ngành Thanh tra. 

Về định hướng Chương trình thanh tra năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu TTCP xây dựng định hướng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm với mục tiêu quyết tâm đổi mới hoạt động thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra theo chuyên đề, giảm thanh tra vụ việc. Hoạt động thanh tra hành chính phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, dễ xảy ra tiêu cực, vi phạm, tham nhũng. Hoạt động thanh tra chuyên ngành được thực hiện rộng khắp theo chức năng nhưng phải tập trung những vấn đề bức xúc để kịp thời chấn chỉnh thiếu sót, hạn chế.

Nội dung thanh tra cần tập trung vào công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở; khai thác tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; đầu tư xây dựng; tài chính, ngân sách, ngân hàng, xử lý nợ xấu; quản lý thị trường và phòng, chống buôn lậu, hàng giả; đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế; cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

Thanh tra chuyên đề diện rộng chống thất thu thuế, quản lý Nhà nước về thuế, việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp; thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, KN,TC và PCTN. 

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành Thanh tra cần tăng cường phối hợp trong ngành, với các ngành liên quan, coi đây là biện pháp quan trọng để tạo được sự đồng thuận trong xã hội (nhất là khi kết luận và kiến nghị các biện pháp xử lý các cuộc thanh tra lớn, vụ việc phức tạp, bức xúc trong xã hội).

“Tôi mong và tin tưởng rằng toàn ngành Thanh tra sẽ tiếp tục phát huy và hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành Thanh tra”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Hiếu - Hải