Nghe đâu, bức ảnh do một nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp, lưu giữ và tặng lại gia đình. Bức ảnh hiện rõ Chủ tịch Nước Hồ Chí Minh ngồi ăn cơm thân mật với Tổng Thanh tra Chính phủ Hồ Tùng Mậu giữa núi rừng Việt Bắc, giữa hai người là một bàn tre nhỏ, người Nghệ Tĩnh gọi là mươn. Trên bàn đơn sơ bát đũa với đĩa măng rừng, bát canh rau… rất đạm bạc như bữa cơm chiến sĩ những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, trường kỳ gian khổ.

Hai Cụ ngồi với gương mặt phấn chấn, mắt ngời sáng, chòm râu thưa lốm đốm bạc, ngỡ như hai anh em ruột. Trong bữa cơm, chắc Cụ Chủ tịch đã trao đổi rất nhiều công việc về chỉnh đốn chính phủ còn non trẻ, những khó khăn ban đầu của công tác thanh tra, công cuộc chống “vinh thân phì gia” đang bắt đầu khởi phát, chớm nở trong số ít cán bộ công thần… Vì thế, Tân Tổng Thanh tra, người hai lần bị kẻ thù tuyên án tử hình, không khỏi lo lắng.

Chủ tịch Nước biết rõ hơn ai hết: Làm thanh tra là khó, là khổ, là hy sinh, là phải luôn là tấm gương cho mọi người soi mặt, là cánh tay phải, là cán cân công lý, là tai mắt của trên, của lãnh đạo, họ phải được quyền “tiền trảm hậu tấu”… có như thế bọn gian thần, kẻ tham nhũng mới khiếp sợ. Trong chiến tranh gian khổ để đảm bảo trên dưới một lòng như nhất, quân đội phải được chăm lo, Người đã cơ cấu Thiếu tướng Trần Tử Bình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kiêm Tổng Thanh tra Quân đội.

Trên dưới một lòng tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân, tham ô, tham nhũng, xử lý những nơi có đơn thư tố cáo và vụ việc xảy ra. Làm và giải quyết khẩn trương, gấp rút, có vụ việc Chủ tịch Nước phải thức trắng đêm để cân nhắc quyết định, mặc dù biết rằng Thanh tra Chính phủ đã xác minh làm rõ. Kiên quyết không chần chừ vì dân có oan ức mới kêu, mới kiện; dân có tin Chính phủ kháng chiến mới tìm đến báo cáo, trình bày… Dẹp đơn thư, hoặc kéo dài việc giải quyết, để đơn thư tồn đọng làm dân chán nản, thiếu tin tưởng; lúc đó, kẻ thù sẽ lợi dụng, bêu rếu, đơm đặt, khác nào cán bộ thanh tra tiếp tay cho kẻ thù, làm mất uy tín của Đảng và Chính phủ.

Công tác thanh tra trong tầm mắt hai cụ lãnh đạo thật đáng kính nể. Chính vì thế, mặc dù kháng chiến gian lao ác liệt, nhưng nhận được tin báo tại Tổng cục Hậu cần đang có kẻ làm mưa làm gió, tham nhũng cửa quyền Cụ Hồ Tùng Mậu đã cử ngay một đoàn thanh tra do Thiếu tướng Trần Tử Bình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Quân đội làm Trưởng đoàn đi xác minh làm rõ. Kết quả thật bất ngờ: Cục trưởng Cục Quân nhu, Đại tá Trần Dụ Châu, kẻ tham ô, tham nhũng phải ký kết luận thanh tra. Ngay đêm đó, Tổng Thanh tra Chính phủ trình Chủ tịch Nước, y án tử hình. Việc này, chắc cũng gần ngang với tiền nhân, xử trước báo cáo sau, miễn là phải đúng, phải nghiêm minh. Nếu không, thanh tra không gươm giáo, không súng ống, quân quyền, nói mãi ai nghe? Uy danh của ngành lên cao vọi.

Tổng Thanh tra Hồ Tùng Mậu của chúng ta khi hy sinh (năm 1951) nhận được sự tiếc thương “tận trung với nước tận hiếu với dân” của toàn Đảng, toàn dân và được Chủ tịch Nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh đầu tiên của đất nước này!

Sự việc này, lưu truyền mãi…

Hơn 50 năm sau, trong cuộc thanh tra đường dây 500kv Bắc - Nam, do Thanh tra Nhà nước chủ trì,  Bộ trưởng Bộ Năng lượng phải chịu án tù vì thiếu trách nhiệm. Và nhờ đó, nhiều kẻ dự định tham nhũng khiếp đảm thanh tra, việc bớt xén, tham ô vào công trình giảm hẵn đã tiếp thêm sức sống, vươn dài cho đường dây và nhân rộng hiệu quả thanh tra… Tổng Thanh tra Nhà nước Nguyễn Kỳ Cẩm lúc bấy giờ thật sự có uy tín cao, được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đề nghị giữ chức Bộ trưởng phụ trách chống tham nhũng.

Vậy đó, thời gian cứ trôi, công việc cứ cuốn dần, nhưng lòng người thì ở lại! Người dân ca ngợi Bác, ca ngợi Thủ tướng Võ Văn Kiệt chắc cũng có phần đóng góp của ngành Thanh tra… Riêng tôi nhớ mãi bức ảnh hai vị lãnh đạo vì dân vì nước ngồi ăn bữa cơm đạm bạc năm ấy, giữa núi rừng Việt Bắc mù sương mà bàn mãi đường hướng cho thanh tra, cho dân tộc đi lên!

Bút ký của Nguyễn Hữu Đàn